Phụ nữ Sóc Trăng tự hào và tỏa sáng

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với tám chữ vàng 'Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang' đã trở thành một biểu tượng cao đẹp. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy được truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn, đạt được những thành tích đáng trân trọng. Chị em phụ nữ không ngừng đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tự hào về phụ nữ Việt Nam

Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, trước đây, nước ta luôn bị kẻ thù xâm lược, đời sống nghèo khổ. Từ đó, người phụ nữ Việt Nam có bản sắc phong cách riêng: họ là những chiến sỹ chống ngoại xâm kiên cường, dũng cảm; lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc; những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng, sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du. Còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1927, những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ. Ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và ngày 20/10 hàng năm là ngày truyền thống của tổ chức này; đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng (vị trí thứ 2, tính từ bên trái sang) được vinh dự nhận cờ thi đua của Chính phủ, do có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Ảnh: THIỆN HẢI

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng (vị trí thứ 2, tính từ bên trái sang) được vinh dự nhận cờ thi đua của Chính phủ, do có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Ảnh: THIỆN HẢI

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chị em phụ nữ Việt Nam đã góp phần xương máu vào thắng lợi huy hoàng của dân tộc. Tên tuổi các nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt, Lê Thị Hồng Gấm, Đặng Thùy Trâm và rất nhiều người khác là những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta. Trong thời kỳ đất nước được giải phóng, đổi mới và phát triển, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Khát vọng cống hiến và vươn xa

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, các tầng lớp phụ nữ Sóc Trăng không ngừng nỗ lực, phấn đấu để cống hiến, khẳng định bản thân với những đóng góp âm thầm, bền bỉ, to lớn cho gia đình và xã hội. Đồng chí Nguyễn Thị Huệ Chi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện lực lượng nữ trên địa bàn tỉnh là 601.731 người, chiếm tỷ lệ 50,16%, trong đó, nữ công nhân, viên chức, lao động chiếm 54,7%; lực lượng nữ ngành giáo dục chiếm trên 56% toàn ngành; lực lượng nữ ngành y tế chiếm 57,2% toàn ngành… Với lực lượng hùng hậu đó, các tầng lớp phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong gắn kết các thành viên gia đình, tổ chức cuộc sống, giáo dục thế hệ trẻ và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”.

Phụ nữ khởi nghiệp với những sản phẩm độc đáo, ấn tượng. Ảnh: SỚM MAI

Phụ nữ khởi nghiệp với những sản phẩm độc đáo, ấn tượng. Ảnh: SỚM MAI

Bằng năng lực, trình độ, trí tuệ và sự cống hiến không mệt mỏi, các chị em đã đảm nhận những vị trí, vai trò quan trọng trong xã hội. Hiện tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV chiếm 42,8%; nữ tham gia HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 chiếm 25%; nữ lãnh đạo chủ chốt tại UBND tỉnh chiếm 25%; tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiếm 6,6%, huyện ủy và tương đương chiếm 16,8%. Cán bộ nữ tham gia lãnh đạo cấp sở, ban ngành (chiếm 14,73%) và cán bộ chủ chốt, quan trọng khác ngày một tăng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 1.077 doanh nghiệp do nữ làm chủ đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 28,18% trong tổng số doanh nghiệp. Chị em luôn tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong tổng số 174 sản phẩm đạt chất lượng OCOP của tỉnh, có 39 sản phẩm là sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp.

Tổ chức hội phụ nữ ngày càng vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả. Khi đó, các cấp hội đã thực hiện đa dạng các hình thức tập hợp, vận động, xây dựng, nhân rộng các mô hình thu hút hội viên, phụ nữ có hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 109 tổ chức cơ sở hội, thu hút229.028 hội viên vào tổ chức hội.Tỉnh hội chú trọng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ hội cơ sở; nâng cao nhận thức, phương pháp làm việc cho cán bộ chi hội. Linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị, từng nhóm đối tượng cụ thể để quyết tâm cao chăm lo lợi ích thiết thực cho phụ nữ, phát huy nội lực và vận động khai thác các nguồn lực để giải quyết vấn đề phụ nữ.

 Phụ nữ huyện Trần Đề (Sóc Trăng) khéo léo dùng các nút chai tạo nên bản đồ Việt Nam để làm công tác tuyên truyền. Ảnh: SỚM MAI

Phụ nữ huyện Trần Đề (Sóc Trăng) khéo léo dùng các nút chai tạo nên bản đồ Việt Nam để làm công tác tuyên truyền. Ảnh: SỚM MAI

Phụ nữ luôn hướng về cộng đồng và thực hiện có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội. Với Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, tỉnh có 191 trẻ em mồ côi và các cấp hội đã ra sức vận động nhà hảo tâm, ban ngành hỗ trợ kịp thời để các em vững bước hướng tới tương lai. Còn đối với Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, các cấp hội đã có nhiều hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, nhất là hỗ trợ hàng tháng cho 6 mẹ Việt Nam anh hùng và xây dựng, sửa chữa mái ấm tình thương với tổng trị giá trong năm khoảng 4 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Thị Huệ Chi khẳng định: “Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng người phụ nữ Sóc Trăng đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới”. Khi đó, sẽ nâng cao chất lượng công tác giáo dục cho phụ nữ về truyền thống, lịch sử dân tộc, chính trị, tư tưởng, ý thức trách nhiệm với xã hội, năng lực sáng tạo, tính cộng đồng, khát vọng vươn lên và lối sống tình nghĩa. Động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với thực hiện chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Phát huy vai trò trong việc giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc trên vùng đất Sóc Trăng...

Dù trước đây hay hiện tại, phụ nữ Việt Nam luôn là một "đóa hồng" mạnh mẽ, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Đất nước sẽ mãi mãi tự hào về người phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà, ở phương diện nào người phụ nữ cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, tạc vào lịch sử dân tộc một hình tượng cao quý và ngời sáng.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doan-the/phu-nu-soc-trang-tu-hao-va-toa-sang-60969.html