Phụ nữ thôn Cầu Xum liên kết trồng dứa

Nhằm tăng tính liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế cao, Hội Phụ nữ xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) đã chỉ đạo Chi hội Phụ nữ thôn Cầu Xum xây dựng mô hình 'Tổ phụ nữ liên kết trồng dứa'.

Mô hình liên kết trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia.

Mô hình liên kết trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia.

Mô hình được thành lập tháng 4/2018, với 16 thành viên. Bà Trần Thị Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cầu Xum, Tổ trưởng Tổ phụ nữ liên kết trồng dứa cho biết: Xuất phát từ nhu cầu thực tế của đa số hội viên, Hội Phụ nữ xã Vạn Hòa đã chỉ đạo thành lập mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng dứa tại thôn Cầu Xum. Khi tham gia mô hình, hội viên trong chi hội cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trồng dứa để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Bên cạnh đó, hội viên cũng được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh do các tổ chức hội tổ chức, đồng thời cam kết trồng dứa theo đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đề ra.

Xã Vạn Hòa hiện có hơn 100 ha dứa, trong đó thôn Cầu Xum có 26 hộ trồng dứa với khoảng 50 ha. Theo ước tính, 1 ha trồng dứa cho thu khoảng 80 triệu đồng/vụ.

Gia đình chị Phạm Thị Thảo, thôn Cầu Xum đã trồng dứa từ nhiều năm nay, tuy nhiên hiệu quả kinh tế chưa được như mong đợi do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc. Khi mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng dứa của thôn được thành lập, nhận thấy lợi ích mà mô hình mang lại, chị đã vận động chị em trong thôn tham gia. Sau hơn 1 năm, gia đình chị đã biết cách trồng dứa gối vụ, rải vụ, chăm sóc để có sản phẩm thu hoạch quanh năm mà không bị tư thương ép giá. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, chị Thảo cho biết: Tham gia mô hình, chúng tôi được học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây dứa. Ngoài ra, quả dứa sau khi thu hoạch cũng được thương lái đến tận nơi mua, không phải mang bán tại chợ, hiệu quả kinh tế cao hơn và đỡ vất vả hơn.

Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng dứa của Chi hội Phụ nữ thôn Cầu Xum bước đầu đã mang lại hiệu quả. Mô hình giúp chị em chuyển đổi hình thức sản xuất từ tự phát sang có kế hoạch, cùng nhau liên kết tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, đồng thời khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.

Vũ Huệ

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/phu-nu-thon-cau-xum-lien-ket-trong-dua-z36n20190803100321639.htm