Phụ nữ trên hành trình chuyển đổi số
'Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội' được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam chọn làm chủ đề trọng tâm trong hoạt động năm 2024.
Đây cũng là nội dung cuộc thi do Trung ương Hội phát động trong toàn quốc để tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp hay của phụ nữ trong hành trình chuyển đổi số.
Theo bà Hà Thị Nga-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đây có thể được coi là hoạt động mang tính “cách mạng”, “đổi mới toàn diện” thúc đẩy sự phát triển của tổ chức Hội, từng bước đưa quá trình chuyển đổi số trong hoạt động Hội sang giai đoạn mạnh mẽ hơn là ứng dụng công nghệ số.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được kỳ vọng tạo sự mới mẻ, đột phá trong hoạt động Hội, đồng thời tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Với tỉnh Gia Lai, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động Hội vẫn còn nhiều thách thức. Chị Rơ Mah Mơi-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Goòng (xã Ia Púch, huyện Chư Prông) cho biết: “Hội viên phụ nữ trong làng đa số là người dân tộc thiểu số. Trong đó, hội viên lớn tuổi hầu như không sử dụng điện thoại thông minh.
Còn hội viên phụ nữ trẻ sử dụng điện thoại thông minh nhưng lại không kết nối internet, còn có chị không biết chữ nên khó tiếp cận thông tin từ mạng xã hội. Do đó, chúng tôi vẫn phải tuyên truyền, vận động chị em theo phương thức truyền thống là đến từng nhà hoặc thông qua họp chi hội”.
Đây cũng là khó khăn chung của 4 chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã biên giới Ia Púch. Chị Rơ Mah Sin-hội viên phụ nữ làng Chư Kó-cho hay: “2 vợ chồng dùng chung điện thoại, mình chỉ nghe, gọi khi có việc cần. Ngoài nghe gọi, mình không biết sử dụng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin và hay vào mạng xã hội như một số chị em”.
Về những hạn chế của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi số, theo chị Rơ Mah Nguyệt-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Púch, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội chỉ dừng lại ở đội ngũ Chi hội trưởng, chưa phổ cập đến được hội viên do những khó khăn nêu ở trên.
Tuy nhiên, nhờ sự năng nổ của đội ngũ cán bộ Hội nên mọi chủ trương, thông tin đều đến với hội viên kịp thời, giúp chị em nâng cao ý thức, cảnh giác không để xảy ra tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới.
Hội còn phối hợp hiệu quả với các lực lượng tại địa phương làm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự biên giới, nhất là xây dựng mô hình “Xã biên giới sạch về ma túy.
“Chúng tôi mong có thêm chính sách hỗ trợ phụ nữ như xóa mù chữ, giúp phụ nữ tiếp cận với công nghệ thông tin. Đây là kênh thông tin quan trọng, có thể giúp thay đổi tư duy, nhận thức của chị em, giúp họ học hỏi các mô hình phát triển kinh tế cũng như tiếp cận với nhiều vấn đề khác”-chị Nguyệt chia sẻ.
Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-thông tin: Gia Lai có 1,5 triệu dân với 44 dân tộc anh em sinh sống. Tổng số hội viên phụ nữ toàn tỉnh hiện gần 325 ngàn; trong đó, hội viên người dân tộc thiểu số là 142 ngàn, chiếm 44%. Điều kiện kinh tế của nhiều hội viên còn khó khăn, lại sinh sống trên địa bàn rộng nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống của chị em vẫn còn những hạn chế nhất định.
Để triển khai hiệu quả chủ đề năm 2024 và cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” do Trung ương Hội phát động, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Hội LHPN tỉnh sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai cuộc thi phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt, hướng đến hội viên vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vì đây là nhóm phụ nữ đặc thù, còn nhiều khó khăn.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi; động viên cán bộ, hội viên tích cực tham gia nhằm tìm ra các sản phẩm, giải pháp hay, sáng tạo giúp cải tiến và nâng cao chất lượng sinh hoạt hội viên, đặc biệt đối với các cơ sở Hội ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Hội LHPN tỉnh luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ hội các cấp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tổ chức”.
Ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động Hội cũng như sự phát triển của phụ nữ, được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh triển khai trong thời gian qua. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh kỳ vọng thông qua cuộc thi giúp các cấp hội trong tỉnh tìm kiếm, lựa chọn và vận dụng những sản phẩm, giải pháp hay để áp dụng vào thực tế hoạt động của Hội.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phu-nu-tren-hanh-trinh-chuyen-doi-so-post261461.html