Phụ nữ 'trở mình' trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc

Nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc đang xây dựng các nhân vật nữ độc lập, mạnh mẽ. Điều này phản ánh những thay đổi trong xã hội nước này.

 Uhm Jung-hwa, 54 tuổi, đóng vai chính trong phim “Bác sĩ Cha”

Uhm Jung-hwa, 54 tuổi, đóng vai chính trong phim “Bác sĩ Cha”

Rời xa motif "Cô bé Lọ Lem"

Thực tế, nhân vật nữ trong phim truyền hình Hàn Quốc không phải lúc nào cũng đặc sắc như vậy. Hong Eun Mi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Biên kịch Hàn Quốc, cho biết phim Hàn những năm 1990 chủ yếu nói về các chaebol (tài phiệt) yêu cô gái nghèo. Điều này có thể thấy trong "Vườn sao băng" (Boys Over Flowers), nơi những anh chàng thừa kế giàu có phải lòng cô gái thuộc tầng lớp lao động.

Tuy nhiên, câu chuyện hiện nay đã khác. Hong nói: "Nhân vật nữ đã thay đổi. Cô ấy rất độc lập, có công việc và không thực sự bận tâm đến chuyện hôn nhân".

Nữ diễn viên Uhm Jung-hwa cho biết, nhân vật nữ thường bị lu mờ trong những năm 90 của thế kỷ trước khi mục tiêu cuộc sống của họ tập trung vào việc tìm kiếm người đàn ông hoàn hảo.

"Bây giờ, chúng ta có thể thấy nhiều nhân vật nữ mạnh dạn đón nhận cuộc sống theo cách riêng của họ. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi có thể kể những câu chuyện của phụ nữ, ngay cả ở độ tuổi của mình", Uhm nói. Uhm, 54 tuổi, đóng vai chính trong "Bác sĩ Cha" (Doctor Cha).

Trong phim, Uhm vào vai một phụ nữ trung niên tên Cha Jeong Suk theo đuổi ước mơ y học dang dở sau 20 năm chăm sóc gia đình. "Bác sĩ Cha chọn theo đuổi ước mơ của mình, bà ấy nói rằng bản thân đã hoàn thành vai trò làm mẹ. Hành trình của bà ấy rất truyền cảm hứng", nữ diễn viên chia sẻ.

Tuy nhiên, ý tưởng một phụ nữ trung niên đóng vai chính là điều không tưởng khi Uhm bắt đầu sự nghiệp. Uhm cho biết, nữ diễn viên bước sang tuổi 30 không được nhận vai chính và trên 35 tuổi thường bị giới hạn trong vai người mẹ. Điều này khiến ngay cả những diễn viên tài năng cũng "biến mất" khỏi màn ảnh vì tuổi tác.

Sự thay đổi tỷ lệ đại diện của phụ nữ trên các phương tiện truyền thông nhờ vào kinh tế phát triển vượt bậc của Hàn Quốc. Điều này dẫn đến những thay đổi trong xã hội, bao gồm cả vị thế của phụ nữ.

Người bà Gil Jong-gan phải lòng một nhân viên pha cà phê trong “Cô nàng mạnh mẽ Gang Nam-soon”

Người bà Gil Jong-gan phải lòng một nhân viên pha cà phê trong “Cô nàng mạnh mẽ Gang Nam-soon”

Mặc dù phụ nữ có trình độ học vấn cao, ưu tiên thành công trong sự nghiệp thay vì kết hôn và sinh con nhưng vẫn tồn tại những thách thức, bao gồm vấn đề tỷ lệ sinh giảm kỷ lục và khoảng cách lương theo giới. Nhưng ít nhất trên màn ảnh, hình tượng phụ nữ đã rời xa motif "Cô bé Lọ Lem" truyền thống, Joan MacDonald, một nhà phê bình phim, cho biết.

Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh truyền hình Hàn Quốc đang thay đổi, với các kênh truyền hình cáp và nền tảng phát trực tuyến. Đại dịch Covid-19 càng đẩy nhanh sự thay đổi này, với lượng người xem phim truyền hình Hàn Quốc tăng đáng kể.

Mang đến những điều khác biệt

Biên kịch Baek Mi-kyoung là người đi tiên phong trong việc kể chuyện về phụ nữ trên truyền hình Hàn Quốc và các phim của cô thường đề cập đến những chủ đề ít được nói đến. "Với mỗi bộ phim, tôi đều cố gắng phá vỡ ranh giới", cô nói.

Việc đưa câu chuyện của phụ nữ lên sóng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bộ phim năm 2017 "Quý cô ưu tú" (Lady in Dignity) của Baek liên tục bị các đài truyền hình từ chối.

"Họ nghĩ rằng câu chuyện về phụ nữ trung niên sẽ không thành công về mặt thương mại", cô nói. Chỉ sau khi gây được tiếng vang lớn với "Cô nàng mạnh mẽ Bong-soon" (Strong Girl Bong-soon), đài truyền hình cáp JTBC mới đặt cược vào "Quý cô ưu tú".

"Từ các bộ phim của tôi, nhân vật nữ đã trở nên chủ động và mạnh mẽ hơn, rất ngầu và độc lập. Nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Tôi muốn thay đổi cuộc chơi", Baek chia sẻ.

Trong loạt phim hài mới của mình, "Cô nàng mạnh mẽ Gang Nam-soon" (Strong Girl Nam-soon), cô quyết định đưa một điều khác biệt lên sóng truyền hình: Tình yêu của người lớn tuổi. Nhân vật của Baek, người bà mạnh mẽ của Nam-son do nữ diễn viên 67 tuổi Kim Hae-sook đóng, đã phải lòng một nhân viên pha cà phê.

Trong phim, nhân vật cho biết đã ngừng xem phim truyền hình vì chỉ có cảnh người trẻ tuổi yêu nhau. "Người lớn tuổi cũng có trái tim, ngực có thể xệ nhưng tim vẫn đập", nhân vật này nói và đây cũng là thông điệp quan trọng nữ biên kịch muốn truyền tải.

Nguồn: BBC

Kim Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-tro-minh-tren-man-anh-nho-han-quoc-20240105162032894.htm