Phụ nữ trong chuỗi cung ứng 'xanh': Thay đổi từ sản xuất đến tiêu dùng
Phụ nữ, với vai trò quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng, có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng 'xanh'. Tuy nhiên, phụ nữ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Do đó, việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong chuỗi cung ứng 'xanh' không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và công bằng xã hội.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường toàn cầu ngày càng gia tăng, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế "xanh" và phát triển bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được công bố năm 2022, khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100, kể cả khi nhiệt độ bề mặt Trái đất chỉ tăng thêm 1,50C. Nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên 20C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Trước thực trạng này, chuyển dịch sang nền kinh tế "xanh", kinh tế tuần hoàn, giảm thải carbon được xác định là định hướng chiến lược, là giải pháp tất yếu để phát triển bền vững.
Trong đó, chuỗi cung ứng "xanh" - bao gồm các hoạt động như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng tài nguyên, tái chế và tái sử dụng chất thải, áp dụng công nghệ sạch và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm, với mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường trong toàn bộ quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng, đang được xem là giải pháp chiến lược nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Phụ nữ và sản xuất "xanh"
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng tại Việt Nam. Phụ nữ tham gia hầu hết các khâu sản xuất nông nghiệp, từ canh tác, chăn nuôi đến chế biến nông sản. Theo Tổng cục Thống kê (2022), phụ nữ chiếm 48,1% tổng số lao động nông nghiệp và đóng góp đáng kể vào GDP của đất nước.
Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ thường có xu hướng áp dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường hơn nam giới (theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế - CIAT năm 2019). Cụ thể, phụ nữ nông thôn đã và đang:
Áp dụng các kỹ thuật canh tác hữu cơ, luân canh, sử dụng phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học và các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) để bảo vệ đất, nguồn nước, đa dạng sinh học và giảm phát thải khí nhà kính.
Sử dụng nước hiệu quả, bảo vệ rừng, trồng cây xanh và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp.
Chủ động tham gia các hợp tác xã nông nghiệp, áp dụng các quy trình sản xuất "xanh" và kinh doanh nông sản sạch.
Trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, phụ nữ không chỉ là người lao động mà còn tham gia quản lý, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ "xanh".
Nhiều phụ nữ đã và đang tiên phong trong việc: Thiết kế và sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế, có thể phân hủy sinh học hoặc thân thiện với môi trường; quản lý chuỗi cung ứng "xanh", tối ưu hóa hoạt động vận hành, logistics, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Phát triển các dịch vụ "xanh", từ giao hàng bằng xe đạp, dịch vụ du lịch sinh thái đến khách sạn "xanh" và nhà hàng chay.
Đơn cử trường hợp chị Lê Thị Thúy Hoa, sinh ra và lớn lên tại xứ sen Đồng Tháp, có quãng thời gian lặn ngụp cùng sen. Hiểu nỗi cơ cực sớm khuya trên ruộng đồng nhưng thành tựu lại rủi may theo mùa vụ, chị đã thành lập Công ty TNHH Sinai Việt Nam TPHCM với 70.000ha sản xuất hữu cơ một số cây nông nghiệp như cà phê, đông trùng hạ thảo, mắc ca...
Phụ nữ và tiêu dùng "xanh"
Phụ nữ thường là người quyết định chi tiêu và mua sắm trong gia đình. Do đó, họ có ảnh hưởng lớn đến xu hướng tiêu dùng "xanh". Phụ nữ ngày càng ưu tiên mua các sản phẩm hữu cơ, có bao bì thân thiện với môi trường, ít nhựa, có chứng nhận bền vững hoặc nhãn sinh thái.
Theo một nghiên cứu của Nielsen, phụ nữ có xu hướng quan tâm đến các vấn đề môi trường và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm "xanh" so với nam giới.
Ngoài ra, phụ nữ còn đóng vai trò quan trọng trong việc: Phân loại rác, tái chế và ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường; giáo dục thế hệ sau về ý thức bảo vệ môi trường, hình thành thói quen tiêu dùng bền vững ngay từ nhỏ; lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ "xanh", từ thực phẩm hữu cơ, đồ gia dụng tiết kiệm năng lượng đến các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, phụ nữ tích cực tổ chức và tham gia các phong trào tiêu dùng "xanh", góp phần lan tỏa nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng trong cộng đồng. Các hoạt động tiêu biểu như: Tổ chức các chiến dịch "Nói không với túi ni-lông", "Ngày đổi rác lấy cây", "Chợ phiên nông sản sạch"; tham gia các nhóm cộng đồng về tiêu dùng "xanh", chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về lối sống bền vững; vận động người thân, bạn bè và cộng đồng cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Thách thức với phụ nữ trong chuỗi cung ứng "xanh"
Mặc dù có nhiều đóng góp tích cực, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng "xanh". Đó là:
Hạn chế về nguồn lực: Phụ nữ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, công nghệ, thông tin và kỹ năng cần thiết để phát triển các mô hình kinh doanh "xanh".
Rào cản về giới: Định kiến giới, phân công lao động bất bình đẳng và các chuẩn mực xã hội có thể hạn chế cơ hội của phụ nữ trong việc tiếp cận các vị trí lãnh đạo, tham gia vào quá trình ra quyết định hoặc tiếp cận các chương trình hỗ trợ phát triển bền vững.
Thiếu hỗ trợ chính sách: Nhiều chính sách hiện hành chưa chú trọng đến việc khai thác và hỗ trợ vai trò của phụ nữ trong chuỗi cung ứng "xanh".
Do vậy, để phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ trong chuỗi cung ứng "xanh", đồng thời hỗ trợ các chính sách giảm lượng carbon, chúng ta cần làm tốt một số nội dung sau:
Một là, thúc đẩy giáo dục và nâng cao nhận thức: Tăng cường truyền thông về vai trò của chuỗi cung ứng "xanh" trong việc giảm phát thải carbon. Cung cấp các khóa học về kỹ thuật canh tác hữu cơ, tái sinh và quản lý chuỗi cung ứng bền vững. Các khóa học này cần ưu tiên phụ nữ ở khu vực nông thôn và các nhóm dễ bị tổn thương.
Hai là, hỗ trợ nguồn tiếp cận: Cung cấp các gói vay ưu đãi hoặc hỗ trợ doanh nghiệp nữ khởi nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến sản xuất và tiêu dùng "xanh".
Ba là, xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ trong chuỗi cung ứng "xanh": Xây dựng chính sách kinh tế "xanh", gồm các ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp và trong chuỗi cung ứng "xanh".
Bốn là, tăng cường sự kết nối và hợp tác: Tạo nền tảng cho các doanh nhân nữ trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm; khuyến khích phụ nữ hướng dẫn phong trào tiêu dùng "xanh" trong cộng đồng.
Năm là, khuyến khích sử dụng công nghệ "xanh": Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm khí thải nhà kính trong sản phẩm và vận hành chuỗi cung ứng; hỗ trợ phụ nữ tham gia nền tảng thương mại điện tử để mở rộng thị trường cho các sản phẩm "xanh".
Sáu là, theo dõi và đánh giá hiệu quả: Thiết lập chỉ số đánh giá - phát triển các số liệu để đo lường mức độ tham gia và đóng góp của phụ nữ trong cung ứng "xanh"; thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt động của các kiến trúc, chính sách và chương trình hỗ trợ phụ nữ trong việc giảm phát thải carbon.
Qua các phân tích, có thể khẳng định, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuỗi cung ứng "xanh" tại Việt Nam. Việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong chuỗi cung ứng "xanh" là "chìa khóa" để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Cần có sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy tối đa tiềm năng của mình trong việc xây dựng một Việt Nam "xanh" và thịnh vượng.