Phụ nữ trong đời sống chính trị EU: Những thách thức

Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã tự hào là khu vực đi đầu trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, sự tham gia của phụ nữ trong đời sống chính trị EU vẫn còn nhiều hạn chế.

 Đoàn Ủy viên của Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ 2024-2029, với 5/7 Chủ tịch và Phó Chủ tịch là nữ. Ảnh: Ủy ban châu Âu

Đoàn Ủy viên của Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ 2024-2029, với 5/7 Chủ tịch và Phó Chủ tịch là nữ. Ảnh: Ủy ban châu Âu

Nhìn lại lịch sử, những tiến bộ về tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong chính trường châu Âu là không thể phủ nhận. Năm 2019, lần đầu tiên chức danh Chủ tịch Ủy ban châu Âu được nắm giữ bởi một người phụ nữ, đó là bà Ursula von der Leyen.

Cùng với đó, cán cân giới tính trong các vị trí lãnh đạo cấp cao của EU cũng dần được cân bằng hơn, với 8/14 Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu là nữ. Đây là những dấu mốc quan trọng, khẳng định cam kết của EU trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Bà Evelyn Regner, một trong những nữ Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, khẳng định: "Việc phụ nữ tham gia chính trường thực sự tạo ra sự khác biệt. Đã có nhiều luật về bình đẳng giới được thông qua, cho thấy tác động tích cực của việc có nhiều phụ nữ hơn ở các vị trí quyền lực".

Những rào cản

Tuy nhiên, hình ảnh "ngọn cờ đầu" của EU trong vấn đề bình đẳng giới cũng cần được nhìn nhận một cách cẩn trọng. Mặc dù khối đã có những chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ phụ nữ tham chính nhưng phụ nữ vẫn chưa được đại diện một cách đầy đủ, đặc biệt ở các vai trò lãnh đạo hàng đầu.

Phụ nữ châu Âu vẫn phải đối mặt với hàng loạt rào cản khi theo đuổi sự nghiệp chính trị. Đó không chỉ là những định kiến đã ăn sâu, mà còn là những trở ngại mang tính cấu trúc trong hệ thống chính trị.

Một báo cáo của Eurocities, mạng lưới các thành phố lớn ở châu Âu, chỉ ra rằng phụ nữ chỉ chiếm 18,2% số thị trưởng ở EU, dù con số này đã tăng so với mức 13% năm 2011. Tỷ lệ nữ thành viên hội đồng địa phương cũng chỉ đạt 34,5%, tăng nhẹ so với con số 30,5% vào năm 2011.

Giovanna Coi, một nhà báo của tờ Politico, nhận định: "Những số liệu này cho thấy, mặc dù có tiến bộ nhưng vẫn rất chậm và không đồng đều". Bà cũng nhấn mạnh rằng "Chính trị không phải là thế giới của đàn ông nhưng nó chắc chắn được xây dựng để trở thành thế giới của đàn ông", ngụ ý rằng hệ thống hiện tại không được thiết kế để khắc phục sự mất cân bằng giới tính.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von de Leyen. Là một chính trị gia người Đức, bà đã được bầu vào vị trí cao nhất của hệ thống hành pháp EU trong hai nhiệm kỳ liên tiếp - Ảnh: Flickr

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von de Leyen. Là một chính trị gia người Đức, bà đã được bầu vào vị trí cao nhất của hệ thống hành pháp EU trong hai nhiệm kỳ liên tiếp - Ảnh: Flickr

Sự chênh lệch giữa các quốc gia thành viên

Bức tranh bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở EU không đồng nhất giữa các quốc gia thành viên. Trong khi Phần Lan và Thụy Điển dẫn đầu về sự tham gia của phụ nữ trên chính trường thì ở các quốc gia như Romania, Litva và Hy Lạp, chưa đến 1/10 số thị trưởng là phụ nữ vào năm 2023.

Sự khác biệt này phản ánh lịch sử, văn hóa, và mức độ cam kết của từng quốc gia đối với vấn đề bình đẳng giới.

Một số quốc gia Bắc Âu có lịch sử lâu đời về các phong trào nữ quyền mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ gia đình toàn diện, giúp phụ nữ dễ dàng cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.

Ngược lại, ở những quốc gia có truyền thống gia trưởng sâu sắc hơn, phụ nữ thường phải đối mặt với nhiều định kiến và rào cản xã hội bước vào chính trường.

Sức mạnh từ lá phiếu của phụ nữ

Sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị không chỉ thể hiện ở số lượng đại biểu hay vị trí lãnh đạo, mà còn ở tỷ lệ ứng viên nữ và sức ảnh hưởng của cử tri nữ. Báo cáo của Nghị viện châu Âu cho thấy, lần đầu tiên, tỷ lệ phụ nữ trong Nghị viện châu Âu giảm sau cuộc bầu cử năm 2024, sau khi đạt đỉnh vào năm 2019.

Mặc dù chỉ là một sự sụt giảm nhỏ nhưng sự đảo ngược xu hướng này là đáng lo ngại. Đặc biệt, sự gia tăng về số lượng người có xu hướng phản đối quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số đang đe dọa làm thụt lùi các tiến bộ về bình đẳng giới.

Về phía cử tri, một báo cáo của Ủy ban châu Âu cho thấy, tỷ lệ cử tri nữ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 6/2024 đã giảm 1% so với cuộc bầu cử năm 2019. Điều này cho thấy phụ nữ có thể đã ít quan tâm hơn với việc bỏ phiếu.

Đây là một tín hiệu đáng báo động, bởi sự tham gia của cử tri nữ có vai trò quan trọng trong việc định hình kết quả bầu cử và thúc đẩy các chính sách vì bình đẳng giới. Tuy nhiên, Stefanie Buzmaniuk, nghiên cứu viên cao cấp của Quỹ Robert Schuman, một tổ chức nghiên cứu về EU và chính sách của EU, nhận định rằng các cuộc bầu cử quan trọng tới đây là một cơ hội mới để phụ nữ cất tiếng nói của mình.

Việc tăng số lượng phụ nữ đi bỏ phiếu có thể thay đổi cục diện của Nghị viện châu Âu, không chỉ vì số lượng nữ dân biểu sẽ tăng mà còn vì họ "ít có xu hướng bỏ phiếu ủng hộ các đảng cực đoan". Điều này cho thấy sức mạnh tiềm tàng của cử tri nữ trong việc định hình tương lai chính trị của EU.

Phong trào nữ quyền và tác động đến chính sách của EU

Các phong trào nữ quyền đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các chính sách bình đẳng giới tại EU. Từ những cuộc đấu tranh đòi quyền bầu cử trong thế kỷ 20 đến các chiến dịch chống lại bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng về tiền lương, các phong trào này đã liên tục gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách, buộc họ phải hành động.

Mới đây, EU đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng về bình đẳng giới. Ví dụ, Ủy ban châu Âu đã có những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đặc biệt là tại Nghị viện châu Âu.

Ngoài ra, EU cũng là một trong những đối tác chính của Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) trong Sáng kiến Spotlight, một nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030.

Cam kết 500 triệu EUR từ EU cho sáng kiến này cho thấy sự đầu tư chưa từng có vào bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Cam kết của EU đối với bình đẳng giới phải được chuyển thành hành động bền vững ở cả cấp độ toàn khu vực và quốc gia.

Đức Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-trong-doi-song-chinh-tri-eu-nhung-thach-thuc-20250702132237054.htm