Phụ nữ Trung Quốc muốn ly hôn, tòa bác đơn để giữ 'hòa khí xã hội'

Ở Trung Quốc, chỉ 1/6 đơn ly hôn ra được trước tòa, nhưng 2/3 trong số đó bị bác ngay trong phiên xử đầu tiên. Nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình cảm thấy mắc kẹt.

Dong Fang bị chồng đánh một cách tàn bạo đến mức mất một phần thính lực. Con gái của cô cần khâu ba mũi vào tay. Cách đây không lâu, tòa án Trung Quốc có lẽ đã bỏ qua vụ bạo lực gia đình này, vì thủ phạm là chồng của cô Dong, và cha của cô con gái. Nhưng luật bạo lực gia đình vừa có hiệu lực ở Trung Quốc cho phép Dong xin lệnh cách ly từ tòa án.

Truyền thông địa phương ở thành phố Thành Đô, tây nam Trung Quốc, nơi cô sống, coi đó là thành công của luật mới. Nhưng ngay sau đó là cú sốc: tòa án từ chối đơn ly hôn của Dong, lập luận rằng chồng cô nên được cho “một cơ hội”.

Câu chuyện của Dong khá phổ biến. Luật chống bạo lực gia đình, có hiệu lực tháng 3/2016, nhằm bảo vệ phụ nữ. Nhưng một mục tiêu khác là “củng cố sự hòa thuận trong gia đình và ổn định xã hội”. Các thẩm phán thường đặt điều đó lên trên quyền lợi của phụ nữ, theo Economist.

Thẩm phán từ chối đơn ly hôn để đạt chỉ tiêu?

Một nghiên cứu 150.000 vụ ly hôn từ 2009 đến tháng 9/2016 cho thấy luật mới không giúp nhiều cho các nạn nhân nữ của bạo lực gia đình. Các thẩm phán có xu hướng đồng ý với đơn ly hôn nếu người nộp đơn là người chồng, và họ cũng không bị ảnh hưởng bởi cáo buộc bạo lực.

Chỉ 1/6 vụ ly hôn được ra trước tòa. Nhưng 2/3 trong số đó bị bác bỏ ngay trong phiên đầu tiên. Ảnh: China Daily.

Chỉ 1/6 vụ ly hôn được ra trước tòa. Nhưng 2/3 trong số đó bị bác bỏ ngay trong phiên đầu tiên. Ảnh: China Daily.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh gia đình là “tế bào” của xã hội. Giới chức đang lo ngại những tế bào đó đang chết dần khi tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng.

Năm ngoái, hơn 10 triệu cặp đôi làm lễ cưới, nhưng gần 4,5 triệu người ly hôn. Ly hôn trở nên ngày càng dễ dàng. Trước năm 2003, việc ly hôn cần phải được cơ quan hoặc người lãnh đạo trong cộng đồng chấp thuận. Ngày nay, nếu cả hai bên đồng ý, có thể ly dị nhanh chóng.

Chỉ 1/6 vụ ly hôn được ra trước tòa. Nhưng 2/3 trong số đó bị bác bỏ ngay trong phiên đầu tiên. Bạo lực gia đình từ lâu được coi là căn cứ pháp lý để ly hôn, nhưng những người vợ bị bạo lực vẫn cảm thấy bị mắc kẹt.

Một số thẩm phán muốn đóng lại các vụ ly hôn nhanh chóng để đạt chỉ tiêu về số vụ mà họ xử lý. Dân Trung Quốc kiện tụng ngày càng nhiều, số vụ kiện ngày càng tăng. Đối với các thẩm phán, bác bỏ một vụ ly hôn dễ hơn so với cho phép ly hôn.

Một số thẩm phán cũng lo sợ nguy cơ bạo lực. Chẳng hạn, khi người chồng đe dọa giết vợ, tòa án sẽ muốn hàn gắn gia đình.

Tỷ lệ ly hôn thành công thấp khiến phụ nữ nản chí trong nỗ lực ly hôn, theo Leta Hong Fincher, tác giả cuốn sách Leftover Women: The Resurgence of Gender Inequality in China (Phụ nữ “ế chồng”: Sự trỗi dậy của bất bình đẳng giới ở Trung Quốc).

Năm ngoái ở Trung Quốc, hơn 10 triệu cặp đôi làm lễ cưới, nhưng gần 4,5 triệu người ly hôn. Ảnh: Reuters.

Năm ngoái ở Trung Quốc, hơn 10 triệu cặp đôi làm lễ cưới, nhưng gần 4,5 triệu người ly hôn. Ảnh: Reuters.

Gian nan chuyện đòi bồi thường

Có lẽ nhờ vụ việc lên báo, cô Dong cuối cùng cũng ly hôn thành công vào tháng 6, hai năm sau khi bị chồng hành hung và mất một phần thính giác. Tòa xử hai vợ chồng mỗi người nhận một căn nhà của họ.

Nhưng thẩm phán từ chối đơn đòi bồi thường 50.000 tệ (7.010 USD). Tòa án đồng ý rằng cô đã phải chịu bạo lực, nhưng “không có hậu quả nghiêm trọng”.

Xin He, chuyên gia từ Đại học Hong Kong, nói luật chống bạo lực gia đình là một bước tiến, nhưng vẫn có thiếu sót, trong đó có việc không coi bạo lực gia đình là tội hình sự. Hình phạt cũng nhẹ: 1.000 tệ (140 USD) hoặc ngồi tù 15 ngày.

Trong 33 tháng đầu tiên sau khi luật có hiệu lực, chỉ 5.860 phụ nữ nộp đơn xin lệnh cách ly, một tỷ lệ rất nhỏ. Liên hiệp Phụ nữ Toàn Trung Quốc, một hội của nhà nước, ước tính rằng 1/4 người vợ ở Trung Quốc chịu bạo lực gia đình, và đây có thể chỉ là ước tính chưa đầy đủ, theo Economist.

Thẩm phán có thể cho phép ly hôn, nhưng không xử lý đơn kiện đòi bồi thường, nhờ vậy người chồng vũ phu có thể tránh được hình phạt. Vì vậy, “tòa án đã trở thành người bảo vệ không đáng tin cậy về quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ”, theo Kwai Ng của Đại học California, San Diego.

Luật bạo lực gia đình là một bước tiến, nhưng vẫn có thiếu sót, trong đó có việc không coi bạo lực gia đình là tội hình sự. Ảnh: AFP.

Luật bạo lực gia đình là một bước tiến, nhưng vẫn có thiếu sót, trong đó có việc không coi bạo lực gia đình là tội hình sự. Ảnh: AFP.

Cô Dong vẫn tin vào hệ thống chính quyền: cô đã nộp đơn khiếu nại đòi bồi thường, và sẽ nhận phán quyết vào tháng 1.

Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền năm 2012, giới lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh “ổn định xã hội”. Năm 2016, tòa án tối cao ra hướng dẫn cho các tòa cấp dưới xử lý các vụ kiện gia đình, với lời lẽ tương tự quan điểm của giới lãnh đạo cấp cao: “Việc dàn xếp các mâu thuẫn gia đình không chỉ liên quan đến hạnh phúc của cá nhân và gia đình, mà còn sự hòa thuận, ổn định xã hội”.

Cô Dong là một giảng viên đại học, tin rằng sự độc lập về tài chính đã giúp cô. “Những cô gái yếu thế hơn không có hy vọng gì”, cô nói. Cư dân mạng, bình luận về vụ ly hôn của cô Dong, thậm chí còn nói “để được an toàn, đừng lấy chồng, đừng có con”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phu-nu-trung-quoc-muon-ly-hon-toa-bac-don-de-giu-hoa-khi-xa-hoi-post1002097.html