Phụ nữ tự tin làm kinh tế

Bằng nghị lực và sự quyết tâm, cùng những lợi thế nhất định mà nữ giới có thể tận dụng, nhiều phụ nữ đã từng bước ghi dấu với xã hội về mô hình, dự án kinh tế của mình. Các mô hình sản xuất, kinh doanh thành công của phụ nữ, không những vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng mà còn góp phần khẳng định vị thế, tiềm năng của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và trở thành những tấm gương vượt khó.

LỰA CHỌN MÔ HÌNH PHÙ HỢP

Không có nhiều đất như những nông hộ khác, song gần 3.000m2 rau gia vị của gia đình bà Phan Thị Toán ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành luôn cho thu nhập khá. Theo bà Toán, ngoài các loại rau dùng chế biến món ăn chính, rau gia vị giúp tăng hương vị, chất lượng dinh dưỡng của món ăn. Bởi vậy, rau gia vị tuy dùng với lượng không nhiều nhưng cũng không thể thiếu, như: rau diếp cá, húng thơm, húng quế, tía tô, kinh giới… nên bà sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Rau gia vị dễ trồng, dễ chăm sóc, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, ít công làm đất nên chi phí thấp. Sau khi gieo khoảng 1 tháng, rau gia vị sẽ cho thu hoạch, 1 năm thu từ 6-7 đợt. Bà Toán chia sẻ: “Rau gia vị giúp bữa cơm của mỗi gia đình thêm ngon miệng. Tận dụng ưu điểm này, gia đình tôi đã khai thác tối đa diện tích đất vườn nhà để trồng rau gia vị nhằm tăng thu nhập”.

Công ty TNHH SXTM&DV Thanh Minh Ngọc, thị xã Phước Long chú trọng từng khâu trong quy trình sản xuất để đưa ra những sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng, cũng như bảo vệ thương hiệu hạt điều Bình Phước - Ảnh:Viết Bằng

Còn chị Hoàng Thị Ái Phương ở khu phố Ninh Thịnh, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh đến với nghề móc sợi bắt đầu từ sở thích cá nhân. Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã tự làm ra những sản phẩm để sử dụng. Về sau, sản phẩm của chị được bạn bè, người quen yêu thích và đặt hàng. Hơn 20 năm gắn bó, với chị để làm công việc này ngoài khéo tay, kiên trì và sáng tạo thì quan trọng là phải có đam mê với nghề, từ đó mới tạo ra được những sản phẩm chất lượng, mẫu mã độc đáo, tinh tế. “Ứng dụng từ len, sợi đã không còn xa lạ với người ưa chuộng sản phẩm thủ công. Tôi đam mê móc sợi từ nhỏ. Chỉ với chiếc kim móc và cuộn len hoặc sợi, tôi có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo phục vụ cuộc sống” - chị Phương chia sẻ.

Chúng tôi gắn bó với công việc móc sợi, vừa thỏa mãn đam mê vừa thu được “trái ngọt”. Những sợi màu cùng đôi bàn tay tỉ mẩn, khéo léo đã mang đến người sử dụng các sản phẩm đậm chất nghệ thuật. Sản phẩm móc sợi ngày nay cũng trở nên đa dạng và thông dụng, không chỉ phục vụ nhu cầu ở địa phương mà còn tiến xa hơn ở các thị trường khác. Vậy nên, người móc sợi trước tiên phải đưa ra thị trường, đến tay người sử dụng những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Để làm được điều này, trước hết sự kiên trì và đam mê là vô cùng cần thiết.

Chị PHAN THỊ THANH XUÂN, khu phố Ninh Phước, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh

Chị Phương cũng đã lan tỏa niềm đam mê của mình đến hội viên phụ nữ ở địa phương. Những hội viên đan sợi cho biết, để làm ra các sản phẩm trước tiên phải có đam mê, cộng thêm sự nhanh nhạy trong sáng tạo phù hợp với xu hướng hiện đại. Hiện sản phẩm móc sợi của các hội viên làm ra được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ ở một số siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh. Điều này làm động lực cho các hội viên ngày càng sáng tạo nhiều hơn, sản phẩm mang nét độc đáo riêng.

SẢN XUẤT “TỬ TẾ”

Trang trại của chị Phạm Thị Quỳnh Như ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng có khoảng hơn 10 loại cây ăn trái được trồng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Chị Như cho biết, cũng là người tiêu dùng, chị hiểu nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn quan trọng như thế nào đối với mỗi gia đình, do đó chị phải nỗ lực sản xuất tử tế. Tử tế theo chị tức là sản xuất ra sản phẩm mà gia đình mình ăn và cộng đồng cùng sử dụng, cũng như kiên trì với mục tiêu mình chọn. Chị Như bày tỏ: “Tôi nghĩ sự kiên trì và đam mê là quan trọng nhất trong phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi làm nông nghiệp cần nhiều thời gian và cũng khó khăn, nên nếu không có 3 yếu tố kinh tế, kiến thức và kiên trì sẽ không thể phát triển nông nghiệp bền vững”.

Còn Công ty TNHH SXTM&DV Thanh Minh Ngọc ở thị xã Phước Long mỗi ngày sản xuất khoảng 4 tấn nhân hạt điều các loại. Đặc biệt quan tâm đến thương hiệu hạt điều Bình Phước, công ty ưu tiên thu mua nguyên liệu điều thô từ những vùng trồng hạt điều chất lượng như Phú Nghĩa, Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập để chế biến. Bên cạnh đó, công ty không ngừng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, kiểm soát chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo uy tín và xây dựng thương hiệu điều Bình Phước. Bà Nguyễn Thị Vân Oanh, quản lý công ty khẳng định: “Khâu đầu vào, chúng tôi chọn nguyên liệu ở địa phương. Tất cả các khâu mình đều phải chú trọng, phải đúng kỹ thuật thì sản phẩm mới chất lượng, đáp ứng yêu cầu khách hàng”.

Mỗi người một mô hình sản xuất, kinh doanh, các chị đã có những thành công bước đầu với lựa chọn của mình, tự tin làm chủ công việc. Phụ nữ khởi nghiệp từ sản xuất, kinh doanh sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro. Do đó, hơn ai hết, họ phải chấp nhận, bản lĩnh để xử lý những khó khăn và tận dụng tốt các cơ hội trong hành trình “dệt” ước mơ của mình. Vượt qua những thách thức, họ thu về “trái ngọt” và đóng góp cho cộng đồng xã hội.

Anh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/136090/phu-nu-tu-tin-lam-kinh-te