Phụ nữ và ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh

Hội thảo diễn ra vào chiều 25/12 với sự kết hợp của Bộ Ngoại giao, Hội nữ trí thức Việt Nam – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND Quận Hoàn Kiếm, Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao văn hóa.

Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng đề xuất của Chính phủ Việt Nam với Liên Hợp Quốc chọn ngày 27/12 hàng năm làm “Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh” và đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 7/12/2020.

Các khách mời tham dự đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Các khách mời tham dự đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ, Tiến sĩ Luận Thùy Dương cho biết: “Đây là một trong chuỗi 10 hội thảo được tổ chức trong tháng hành động với chủ đề “Phụ nữ và hòa bình” nhằm hưởng ứng các hoạt động ngoại giao nhân sự kiện Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đồng thời, Hội thảo không chỉ nhằm đề cao thành tích của Chính phủ, của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là của Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã đề xuất thành công lấy ngày 27/12 hàng năm làm Ngày Quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh mà còn để ca ngợi thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19”.

PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ tại hội thảo.

PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương không khỏi xúc động nhớ lại những ngày đầu chống dịch ở Đà Nẵng: “Lúc đó, phòng làm việc của chúng tôi không có lấy một chiếc bàn, chiếc ghế, phải ngồi dưới đất để làm việc. Sau hơn 1 tuần, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, máy móc đã được vận chuyển vào nhiều hơn số người có mặt ở viện. Không những vậy, người dân Đà Nẵng thấy chúng tôi thiếu gì là hỗ trợ cái đó. Trong những ngày hết lệnh cách ly, tại bệnh viện C – nơi điều trị cho những người cao tuổi, hình ảnh của các cô y tá đẩy xe lăn đưa các cụ ra với người nhà cũng khiến tôi vô cùng xúc động. Trên xe của các cụ chất nào bỉm, nào sữa…. Trong giây phút đó, tôi vừa thương các cụ, vừa thương cho nhân viên y tế. Trong 14 ngày cách ly ở đấy, nhân viên y tế đã chăm sóc các cụ như chính người thân của mình”.

Nói về vaccine Covid -19 của Việt Nam, PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai cũng cho biết, hiện tại đã hoàn thành việc thử nghiệm trên chuột, linh trưởng. Giai đoạn 1 đang tiến hành thử nghiệm trên người để kiểm tra mức độ an toàn. Hy vọng đến giữa năm sau, sau khi thử nghiệm vòng 3 thành công, liều vaccine đầu tiên sẽ được sử dụng đại trà.

Cũng tại hội thảo, Đại tá, TS. Nguyễn Vân Giang – Phó Cục trưởng Cục Quân Y cho biết: Đại dịch Covid-19 là một đại dịch khủng khiếp nhất, như tờ thời báo Times nói rằng năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Tồi tệ là do Covid-19 và các ảnh hưởng sâu rộng của nó. Việt Nam là số ít trong các quốc gia đã phòng chống dịch thành công. Đó là do sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự tuân thủ nghiêm túc của người dân trước những hành động quyết liệt của chính phủ.

Đại tá, TS. Nguyễn Vân Giang ca ngợi lực lượng biên phòng đã âm trong công tác chống dịch và những người phụ nữ Học viện Quân y đã nỗ lực cố gắng tìm ra được kíp xét nghiệm SARS-CoV2. Đây là phương tiện hữu hiệu, lá chắn tốt nhất để hạn chế nguồn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng./.

Nguyễn Hà/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phu-nu-va-ngay-quoc-te-san-sang-phong-chong-dich-benh-826668.vov