Phụ nữ và nỗi đau từ đại dịch: Mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình...

Theo một báo cáo mang tên 'Đo lường góc khuất đại dịch: Bạo lực đối với phụ nữ trong giai đoạn Covid-19', có tới 25% phụ nữ cảm thấy bất an hơn khi ở nhà trong thời gian đại dịch diễn ra. Vì sao lại như vậy?

'Phủ cam thế giới: Hãy chấm dứt tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ ngay bây giờ' là chủ đề của Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 năm nay. (Nguồn: Council of Europe)

'Phủ cam thế giới: Hãy chấm dứt tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ ngay bây giờ' là chủ đề của Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 năm nay. (Nguồn: Council of Europe)

Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (LHQ) UN Women đã công bố báo cáo trên, dựa trên dữ liệu khảo sát của 13 quốc gia, trong đó nêu bật tác động của đại dịch Covid-19 đối với sự an toàn của phụ nữ tại nhà và tại các không gian công cộng.

Thực trạng đáng báo động: Phụ nữ mắc kẹt trong ngôi nhà của chính mình

Theo báo cáo, gần 50% phụ nữ cho biết họ hoặc một phụ nữ mà họ biết đã phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực kể từ khi đại dịch bùng phát. Xung đột hiện hữu cũng gia tăng tại các hộ gia đình kể từ khi bắt đầu xảy ra dịch Covid-19, khi có khoảng 25% phụ nữ cảm thấy bất an hơn khi ở nhà.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 37% phụ nữ sống ở các quốc gia nghèo nhất thế giới đã phải đối mặt với bạo lực từ chính chồng hoặc bạn trai. Thậm chí, tại một số quốc gia, có tới 50% phụ nữ phải đối mặt với tình trạng bạo lực.

Khoảng 25% phụ nữ được hỏi cảm thấy bất an hơn khi ở trong chính nhà mình, 40% phụ nữ cảm thấy không an toàn khi đi dạo một mình.

Trả lời câu hỏi về lý do cảm thấy không an toàn khi ở nhà, 21% phụ nữ cho biết, một trong những lí do là bị bạo hành thể chất là một trong những. Đặc biệt, một số phụ nữ cho biết họ bị tổn thương bởi các thành viên trong gia đình (21%) hoặc phụ nữ khác trong gia đình bị tổn thương (19%).

Các yếu tố gây sức ép về kinh tế-xã hội như áp lực tài chính, thất nghiệp, mất an ninh lương thực và các mối quan hệ gia đình căng thẳng cũng tạo tác động đáng kể không chỉ đối với tinh thần (hoặc tình trạng bạo lực) mà còn cả sự hạnh phúc nói chung của phụ nữ.

Rose, một phụ nữ kinh doanh tự do ở Kenya, đã bị chồng bạo hành từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với nhiều lần đánh đập, lăng mạ, thậm chí đe dọa giết hại cô.

Hồi tháng 3/2020, sau khi Kenya áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan, Rose buộc phải ở nhà và những hành động bạo lực trên trở nên thường xuyên hơn. Sau trận đòn “thập tử nhất sinh” vào tháng 6 cùng năm, Rose phải bỏ trốn khỏi chính căn nhà của mình để tìm đến sự giúp đỡ của một tổ chức cộng đồng.

Rose không phải là nạn nhân duy nhất phải hứng chịu những hành động bạo lực giới trong gia đình ở quốc gia Đông Phi này.

Theo dữ liệu của đường dây nóng quốc gia Kenya về bạo lực giới 1195, trong 2 tuần đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa vì dịch bệnh từ tháng 3-4/2020, số cuộc gọi thông báo về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nước này đã tăng vọt 301%.

Không riêng ở Kenya, vấn nạn này cũng đang xảy ra trên toàn cầu. Kết quả một nghiên cứu được WHO thực hiện từ trước khi Covid-19 bùng phát cho thấy, cứ 3 phụ nữ trên thế giới thì có 1 người (khoảng 736 triệu người) từng phải đối mặt với nạn bạo hành thân thể hoặc bạo lực tình dục, mà trong số thủ phạm có cả chồng hoặc bạn trai họ.

Vào thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ này đã tăng đáng báo động vì phụ nữ bị “mắc kẹt” trong chính ngôi nhà của họ với những kẻ bạo hành.

Trong khi đó, theo báo cáo của UN Women, có tới 40% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy không an toàn khi đi dạo một mình vào ban đêm kể từ khi bùng phát đại dịch.

Khoảng 60% phụ nữ cho rằng, vấn nạn quấy rối tình dục tại không gian công cộng diễn biến theo chiều hướng xấu hơn trong giai đoạn dịch Covid-19.

Báo cáo hằng năm của LHQ công bố hồi tháng 6 cũng cho thấy, số vụ bắt cóc và bạo hành tình dục đối với trẻ em trong năm 2020 lần lượt tăng 90% và 70% so với năm trước đó.

Nỗ lực cùng hành động chống "đại dịch" bạo lực giới

Những con số trên cho thấy một trong những hậu quả tàn khốc nhất của đại dịch Covid-19 là tình trạng gia tăng bạo lực giới.

Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cảnh báo, nạn bạo lực gia tăng đáng báo động ở phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh hiện nay đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới, thậm chí có nguy cơ đảo ngược những tiến bộ mà thế giới đã rất khó khăn mới đạt được trong những năm qua.

Giám đốc điều hành UN Women Sima Bahous nhấn mạnh, bạo lực đối với phụ nữ là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nảy sinh mạnh mẽ trong các cuộc khủng hoảng khác như thiên tai, mất an ninh lương thực, vi phạm nhân quyền.

Bên cạnh đó, Covid-19 khiến các quốc gia tiến hành những biện pháp cách ly và giãn cách xã hội đã tạo ra một "đại dịch thứ hai", đó là gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Do vậy, UN Women nhấn mạnh sự cấp thiết phải phối hợp thực hiện các nỗ lực nhằm chấm dứt "đại dịch" này.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass nhận định, các biện pháp phong tỏa do dịch bệnh đã khiến phụ nữ phải ở nhà nhiều hơn, gián đoạn công việc, làm giảm thu nhập và tước đi quyền được đến trường của trẻ em, trong khi các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho nhóm đối tượng này lại bị đình trệ, khiến nạn bạo lực gia đình trở nên tồi tệ hơn.

Chỉ có thể ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ nếu tìm ra cách tiếp cận toàn diện giải quyết nguyên nhân gốc rễ, bằng những nỗ lực mạnh mẽ và bền bỉ từ các chính phủ, cộng đồng và cá nhân...

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về bạo lực đối với phụ nữ Dubravka Simonovic cho rằng, vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ cũng là "một đại dịch", thực tế này càng thể hiện rõ và trầm trọng hơn trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Trước thực trạng này, các tổ chức quốc tế cùng các chính phủ đã và đang triển khai nhiều sáng kiến nhằm ngăn chặn vấn nạn bạo lực gia đình.

LHQ và Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động Sáng kiến Spotlight với ngân sách ban đầu trị giá 500 triệu Euro (hơn 600 triệu USD) ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Ecuador, Argentina, Mexico, Uganda…

Đây là chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái như một điều kiện tiên quyết để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.

Ngày Quốc tế xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ 25/11 năm nay, LHQ đã lấy chủ đề là “Orange the World: End Violence against Women Now!” (tạm dịch “Phủ cam thế giới: Hãy chấm dứt tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ ngay bây giờ”).

Cũng giống như mọi năm, vào ngày này, LHQ phát động chiến dịch kéo dài 16 ngày nhằm kêu gọi hành động toàn cầu để nâng cao nhận thức, thúc đẩy những nỗ lực, đồng thời tạo cơ hội để thảo luận về những thách thức và giải pháp cho vấn đề này.

Các tòa nhà hay địa điểm mang tính biểu tượng sẽ được “nhuộm” những ánh đèn màu cam nhằm nhắc nhở thế giới về một tương lai không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, bạo lực đối với phụ nữ là vấn nạn tồn tại từ lâu ở mọi quốc gia và nền văn hóa, để lại những vết thương khó lành đối với hàng triệu phụ nữ và gia đình họ.

Vấn nạn này càng trở nên trầm trọng trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, xung đột hay thảm họa khí hậu, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải hành động khẩn cấp để đẩy lùi “đại dịch” bạo lực này.

Tuy vậy, việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể thực hiện được nếu tìm ra cách tiếp cận toàn diện giải quyết nguyên nhân gốc rễ, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em gái.

Theo nhận định của ông Ghebreyesus, “bạo lực đối với phụ nữ chỉ có thể ngăn chặn bằng những nỗ lực mạnh mẽ và bền bỉ từ các chính phủ, cộng đồng và cá nhân, theo đó thay đổi thái độ, cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội và dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau".

Hành động của Việt Nam

Hưởng ứng sự kiện này, Việt Nam cũng chung tay cùng cộng đồng quốc tế chống lại nạn bạo lực giới, phát động Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11-15/12 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Trong các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 được ban hành trong thời gian qua, chính phủ Việt Nam luôn xác định phụ nữ, trẻ em là đối tượng được ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ mắc Covid-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ bị tử vong do Covid-19...

Điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phu-nu-va-noi-dau-tu-dai-dich-mac-ket-trong-chinh-ngoi-nha-cua-minh-165939.html