Phụ nữ vùng cao và câu chuyện quyền bình đẳng

Một buổi tối, chị Đỗ Thị Hà, thôn Nậm Trì, xã Bảo Nhai (Bắc Hà) nói với chồng: 'Tôi sẽ tham gia dự án về bình đẳng giới, tăng quyền năng cho phụ nữ. Dự án này giúp tôi nuôi lợn'. Chồng chị Hà nhìn chị đầy ngạc nhiên và hỏi lại: 'Bình đẳng giới từ nuôi lợn? Tăng quyền năng cho phụ nữ? Bình đẳng giới là gì, nuôi lợn và bình đẳng giới có liên quan gì với nhau'?

Phụ nữ vùng cao đồng hành với chồng trong phát triển kinh tế từ cây quế.

Phụ nữ vùng cao đồng hành với chồng trong phát triển kinh tế từ cây quế.

Chị Hà nhắc lại câu chuyện giữa hai vợ chồng trước một hội nghị tổng kết dự án về phát triển kinh tế, tăng quyền năng cho phụ nữ. Câu chuyện về việc đòi quyền bình đẳng giới của chị Đỗ Thị Hà được bắt đầu như thế, một cách đơn sơ và mộc mạc, chân chất như người vùng cao.

Chị Hà sinh ra và lớn lên tại vùng cao Bắc Hà. Đến tuổi lấy chồng, chị chuyển từ nhà cha mẹ đẻ sang sống cùng gia đình chồng, làm những công việc mà chị mặc định rằng phụ nữ nào cũng phải làm như thế. Chị cũng như bao phụ nữ vùng cao khác, không tham gia quyết định chuyện lớn trong nhà. Mỗi ngày, chị tất bật dậy từ rất sớm, quanh quẩn với con lợn, con gà, với đồi, nương và đồng ruộng. Chị chu toàn chăm sóc chồng con, gia đình đôi bên nội ngoại, tất tả lo toan từng góc nhỏ trong gia đình. Đối với chị, những việc đó là chuyện nhỏ, là việc của phụ nữ, còn đàn ông thì lo công to việc lớn, chuyện tậu trâu làm nhà, chuyện họp hành, chuyện xã hội. Chị Hà hít một hơi dài, nói: Trước đây, phụ nữ chúng tôi không bao giờ đủ can đảm đứng trước đám đông để phát biểu. Nếu được gọi thì đứng lên tim đập, chân run, nói không nên lời. Tôi đã quen với điều đó nên ngay cả thời điểm này, tôi vẫn đang rất hồi hộp, quý vị đại biểu có thể cho tôi một tràng vỗ tay để động viên tinh thần không ạ?

Sau câu nói đó của chị Hà, một tràng pháo tay vang lên giòn giã. Chị Hà tiếp tục nói: Chồng tôi chưa bao giờ giúp vợ giặt đồ, phơi đồ, rửa bát, quét nhà… Tôi cứ nghĩ rằng đó là việc của tôi và chính tôi cũng chưa từng nhờ chồng giúp ngay cả khi tôi bị ốm, mệt. Đơn giản như việc nuôi lợn thôi, trước đây mình tôi tự làm hết, đến khi bán lợn có tiền, tiêu như thế nào tôi lại phải hỏi chồng, chồng đồng ý mới dám tiêu. Khi được tìm hiểu về bình đẳng giới, tôi mới biết rằng mỗi công việc trong gia đình không mặc định việc nào là của ai. Đàn ông có thể vào bếp, phụ nữ có thể đi họp. Như tôi lúc này, là phụ nữ và đã có thể tự tin đứng trước đám đông để nói lên câu chuyện của mình.

Khi tham gia những dự án về tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, khái niệm về bình đẳng được lồng ghép một cách khéo léo qua các dự án. Bình đẳng là biết chia sẻ, thấu hiểu, được quyền đóng góp ý kiến, cùng nhau quyết định những việc lớn, nhỏ trong gia đình… Như chị Hà, chị đã chia sẻ những vất vả của mình, nhờ chồng giúp đỡ và cũng giúp đỡ chồng. Đơn giản như tham gia dự án về chăn nuôi lợn địa phương an toàn sinh học, chị thường cắt rau, nấu cám lợn, chồng chị xay ngô, xách những xô cám lớn cho lợn ăn. Khi bán lợn, có một khoản tiền trong tay, chị Hà được quyền tham gia ý kiến, tiêu khoản tiền như thế nào, tiết kiệm ra sao. Chỉ từ một câu chuyện nhỏ, từ việc cùng nhau chăm sóc đàn lợn, bình đẳng giới được chị Hà tiếp cận đơn giản như thế.

Chị Nông Thị Hằng, xã Na Hối được chồng ưu tiên làm những công việc nhẹ nhàng.

Chị Nông Thị Hằng, xã Na Hối được chồng ưu tiên làm những công việc nhẹ nhàng.

Cũng tại hội nghị, mỗi phụ nữ mang theo một câu chuyện, để đóng góp vào hành trình “câu chuyện nhỏ của tôi” khi thực hiện các dự án về bình đẳng giới. Những năm qua, một số dự án phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch gắn với bình đẳng giới được triển khai tại nhiều địa phương, đặc biệt là những dự án do ngành nông nghiệp thực hiện, bởi đây là lĩnh vực sản xuất chính của người dân vùng cao nói chung, phụ nữ vùng cao nói riêng. Cách hiểu về bình đẳng giới được tiếp cận với người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ máy móc trong các buổi họp, buổi tuyên truyền với những lý thuyết xa xôi, mà được hiện thực hóa, từ việc cùng nhau trồng quế, cùng nhau nuôi lợn, cùng nhau làm homestay, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi, tự tin thể hiện tình cảm. Khái niệm về bình đẳng giới chưa bao giờ được “viết lại” bằng những ngôn ngữ đơn giản, lý giải một cách nông dân như vậy.

Khi nhắc về gia đình mình, chị Nông Thị Hằng, thôn Na Hối Tày, xã Na Hối (Bắc Hà) không giấu được hạnh phúc. Chị Hằng chỉ lên mặt mình và nói: Vì tham gia câu lạc bộ văn nghệ nên nhiều khi phải trang điểm cho đẹp, tôi đã quyết định xăm môi, xăm mày. Trước đây, phụ nữ chỉ làm ruộng, ở nhà, nấu cơm cho chồng con nên không được làm đẹp. Với gia đình tôi, bình đẳng giới đơn giản lắm, tôi được chồng chia sẻ việc nhà, được làm đẹp, được tham gia hoạt động xã hội. Chồng tôi cũng là người tâm lý và thương vợ, ngược lại tôi cũng vậy, vợ chồng có thể tự tin thể hiện tình cảm với nhau.

Đồng hành với vai trò truyền thông cùng một số dự án về thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số, chị Lê Thanh Hương, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ: Tăng quyền năng cho phụ nữ vùng cao, tăng quyền bình đẳng giới thông qua các dự án được thực hiện với mục tiêu lớn nhất là truyền cảm hứng, mong muốn phụ nữ được tham gia phát triển kinh tế và được công nhận giá trị của mình. Bình đẳng giới không phải điều gì đao to, búa lớn. Phụ nữ vùng cao, phụ nữ dân tộc thiểu số cần được xóa bỏ những định kiến về giới, định kiến từ xã hội, định kiến từ chính bản thân họ và được ghi nhận những giá trị mà họ đã tạo ra trong phát triển kinh tế gia đình.

Chị Hương có thể nói cả ngày về bình đẳng giới, thế nhưng, chị luôn dành rất nhiều thời gian để lắng nghe từng câu chuyện nhỏ từ những phụ nữ vùng cao khi tham gia các dự án. Mỗi phụ nữ tham gia dự án mang theo một câu chuyện đẹp, mỗi người đàn ông tham gia dự án mang về gia đình thêm một chút sẻ chia…

Theo luật, bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Còn ở vùng cao, với câu hỏi tương tự, chúng tôi được nghe những khái niệm mới về bình đẳng giới lạ đến vô cùng nhưng cũng đúng đến vô cùng. Đó là câu chuyện về hành trình “phá kén” của những người phụ nữ trong hành trình đi tìm sự bình đẳng từ những điều giản đơn nhất.

Bà Bùi Thị Nhung (Bắc Hà): Lấy nhau 36 năm, cách đây hơn 1 năm, chồng tôi mới giúp tôi làm việc nhà. Ông ấy bảo với tôi: Nếu có lớp học này (lớp tập huấn) trước đây, bà đỡ vất vả hơn!

Sống với nhau hơn 30 năm, chưa bao giờ tôi được chồng phụ giúp việc gia đình, vậy mà tham gia tập huấn, ông ấy thay đổi hẳn. Ông ấy đã chia sẻ công việc với tôi, sáng tôi nấu mì tôm, ông ấy cho lợn, gà ăn. Đi làm về thì mỗi người một tay. Mỗi lần đi nương về, ông ấy vác củi giúp tôi, điều mà trước đây ông ấy không bao giờ làm. Với gia đình tôi, bình đẳng giới chính là như thế.

Anh Trần Văn Kiên (Bắc Hà): Đàn ông “dại” mới ngại việc nhà. Những việc như giặt giũ, nấu ăn, chăm con, trước đây tôi thấy ngại ngại, đàn ông ai lại làm những việc đấy. Nhìn lại mới thấy mình “dại” quá.

Vợ cũng đi làm như mình, cũng cố gắng để gia đình có kinh tế tốt hơn, vậy mà đi làm về, đàn ông được nghỉ ngơi, còn phụ nữ lại làm việc nhà. Như vậy, cô ấy đâu có còn thời gian chăm sóc cho bản thân, đâu có thời gian để sẻ chia, thấu hiểu nữa. Có những hôm muốn nói chuyện cùng vợ đã thấy cô ấy mệt quá ngủ từ lúc nào rồi. Giờ tôi thay đổi, giúp vợ cũng không thấy ngại. Đối với gia đình tôi, thấu hiểu, yêu thương và sẻ chia, như vậy sẽ có bình đẳng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352777-phu-nu-vung-cao-va-cau-chuyen-quyen-binh-dang