Phụ nữ xã Tân Lập phát triển diện tích rau an toàn

Thời gian qua, phong trào 'Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo' lan tỏa sâu rộng trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Từ phong trào, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tạo việc làm, nâng cao đời sống của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Mô hình trồng rau an toàn ở xã Tân lập được xem là một trong những mô hình điển hình. Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc rau khoa học, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường nên sản phẩm của chị em nơi đây đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Vườn rau an toàn của gia đình chị Liên cho thu hoạch quanh năm -Ảnh: M.L

Vườn rau an toàn của gia đình chị Liên cho thu hoạch quanh năm -Ảnh: M.L

Gần 10 năm nay, trên diện tích 1.000 m2 đất vườn, gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn Tân Trung, xã Tân Lập duy trì hiệu quả mô hình trồng rau sạch. Nhờ ứng dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc mới kết hợp cùng kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm trồng rau và tích cực tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do hội phụ nữ phối hợp tổ chức nên mô hình rau sạch của gia đình chị Liên phát triển tốt, cho thu nhập khá cao.

Bên cạnh đó, chị lựa chọn gieo trồng các loại rau, quả ngắn ngày, phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng ở địa phương, có thể trồng quanh năm, cách chăm sóc đơn giản và có giá trị kinh tế cao như: cải, xà lách, ngò, hành…

Đặc biệt, từ tháng 6 đến tháng 8, hầu như rau không phát triển được do khí hậu khô hạn nhưng gia đình chị vẫn trồng thành công các loại rau trái vụ. Do đó, vườn rau an toàn của gia đình chị cho thu hoạch quanh năm, bình quân mỗi ngày thu nhập từ 300-400 nghìn đồng.

Chị Liên chia sẻ: “Để có vườn rau phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu khắt khe của người tiêu dùng và thị trường, dù mưa nắng hay giá rét, chúng tôi cũng phải ra vườn chăm sóc rau cẩn thận. Với phương thức canh tác chủ yếu là tưới nước giếng, làm cỏ, bón phân hữu cơ… nên các loại rau phát triển tốt. Nguồn rau sạch của gia đình tôi chủ yếu bán sĩ tại chợ Khe Sanh. Sản phẩm rau của gia đình tôi được chăm bón đúng cách, đảm bảo chất lượng nên được khách hàng tin dùng”.

Những năm qua, Hội LHPN xã Tân Lập đã đóng vai trò nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thực hiện chủ trương của xã, hội đã phát động mô hình trồng rau, củ, quả an toàn để cải thiện bữa ăn và tăng thêm thu nhập cho gia đình, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Theo đó, hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ ở địa phương có diện tích đất trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây hoặc chăn nuôi để có giá trị kinh tế cao hơn. Khuyến khích những chị có kinh nghiệm sản xuất giúp đỡ, hướng dẫn các trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn cùng vươn lên làm ăn, xóa đói giảm nghèo.

Tại các khu dân cư ở xã hiện nay, hầu hết gia đình hội viên phụ nữ đều có sản phẩm rau, củ, quả an toàn như: cải xanh, xà lách, rau dền, rau ngót, rau thơm, rau muống, rau ngót, cà chua, dưa chuột, hành, mướp đắng…Nhiều hội viên phụ nữ trồng theo phương thức “cuốn chiếu” nên thường xuyên có rau phục vụ bữa ăn của gia đình và bán kiếm thêm thu nhập. Trước đây, do tập quán canh tác nên nhiều hộ hội viên phụ nữ vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ.

Từ khi được Hội LHPN xã quan tâm, khuyến khích chuyển đổi sản xuất, đồng thời được cán bộ kỹ thuật khuyến nông hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, sử dụng phân bón cải tạo đất nên trồng rau ít bị sâu bệnh lại an toàn, các hội viên phụ nữ đã làm quen với cách trồng, chăm sóc cũng như khâu làm đất, kỹ thuật bón lót… hạn chế được sâu bệnh, cây trồng phát triển tốt. Ngoài ra, để tận dụng diện tích đất, lấy ngắn nuôi dài, nhiều chị em trong xã sử dụng cách phía trên làm giàn để cho mướp, bầu, bí leo... phía dưới trồng xen kẽ các loại rau khác.

Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Lập có hàng chục mô hình rau sạch do phụ nữ sản xuất. Trong đó, có 10 mô hình được trồng bài bản, diện tích bình quân mỗi mô hình từ 500 m2 - 1.000 m2, trồng chủ yếu các loại rau như cải, ngò, hành… đem lại thu nhập ổn định từ vài chục triệu đến khoảng 100 triệu đồng/năm/mô hình.

Việc trồng rau sạch ở xã Tân Lập đến nay đã trở thành ý thức tự giác của mỗi người, mỗi gia đình, trong đó mô hình trồng rau an toàn của hội viên phụ nữ xã đã khẳng định tính hiệu quả, cung cấp cho các gia đình nguồn rau an toàn, hợp vệ sinh, sản phẩm bán ra được thị trường chấp nhận.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập Hoàng Thị Thành Nhân cho biết: “Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội. Vì vậy, hằng năm, hội phối hợp với các ban, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, mở các lớp tập huấn cho cán bộ và hội viên phụ nữ.

Vận động hội viên ở các chi hội tham gia vay lãi suất thấp để giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn làm kinh tế. Đây là một hoạt động cụ thể, thiết thực, ý nghĩa, nhằm sản xuất ra các loại rau, củ quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần xây dựng Tân Lập đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/phu-nu-xa-tan-lap-phat-trien-dien-tich-rau-an-toan/178799.htm