Phụ nữ Yên Khánh năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế
Bằng sự năng động của bản thân, sự ủng hộ, đồng hành của gia đình và sự hỗ trợ thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ đã tiếp sức, động viên phụ nữ trong tỉnh nói chung và huyện Yên Khánh nói riêng hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên khởi nghiệp, làm giàu.
Nỗ lực làm giàu và xây dựng sản phẩm đặc trưng cho địa phương
Sản phẩm mắm cáy vốn là món ăn truyền thống, dân dã, an toàn, giàu dinh dưỡng ở Yên Khánh và được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, sử dụng. Hơn nữa, cáy sinh trưởng và phát triển nhiều tại địa phương nên tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có. Phát triển nghề làm mắm cáy truyền thống trong giai đoạn hiện nay lại rất phù hợp với chính sách và phương hướng phát triển kinh tế của huyện và tỉnh.
Trước thực tế đó, cùng với kiến thức hiểu biết về kỹ thuật làm mắm cáy và được sự cổ vũ, động viên của Hội Phụ nữ xã, chị Đỗ Phương Nhiệm (hội viên phụ nữ xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh) đã quyết định khởi nghiệp bằng nghề làm mắm cáy và mong muốn xây dựng sản phẩm mắm cáy thành sản phẩm OCOP của địa phương, quảng bá rộng rãi thương hiệu mắm cáy đến các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để làm được những "mẻ" mắm cáy ngon, chị đã chịu khó học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức qua sách, báo, internet và các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Phụ nữ xã tổ chức, được ký cam kết thực hiện thu mua cáy sạch theo đúng giá cả đã thỏa thuận với nông dân, để có nguồn nguyên liệu ổn định, an toàn.
Chị Nhiệm cho biết: Điểm nổi bật về sản phẩm mắm cáy của Khánh Thành là có nguồn nguyên liệu cáy sống ở vùng đồng bằng chiêm trũng nước ngọt, dọc sông Đáy nên chất lượng rất ngon, không bị khái, mang hương vị đặc trưng của vùng. Sản phẩm mắm cáy của gia đình chị 100% nguyên chất, được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng các hóa chất phụ gia, bảo quản; được ủ mắm lên men tự nhiên từ 4 - 6 tháng.
Hiện nay, mỗi năm gia đình chị sản xuất được khoảng 700 lít mắm cáy, giá bình quân 250.000 đồng/lít, cho thu nhập bình quân mỗi năm 175 triệu đồng. Mắm cáy của gia đình chị đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của cả vùng và đã được các khách hàng tin tưởng lựa chọn làm quà biếu cho người thân nơi xa. Sản phẩm làm ra tới đâu, được xuất bán hết đến đó.
Hiện chị đang đề xuất Hội Phụ nữ các cấp hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng khởi nghiệp… để mở rộng sản xuất; thực hiện các thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm "Mắm cáy cô Nhiệm" và đề xuất các cơ quan chức năng công nhận sản phẩm OCOP; hướng tới thành lập Hợp tác xã sản xuất sản phẩm mắm cáy; đồng thời, thành lập mô hình nuôi cáy, giúp người dân làm giàu từ con cáy để có nguồn nguyên liệu bền vững.
Đồng chí Hoàng Thị Kim Thi, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Khánh cho biết: Trên địa bàn huyện Yên Khánh còn rất nhiều phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế trên các lĩnh vực với 156 mô hình phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo.
Đồng hành cùng hội viên khởi nghiệp, phát triển kinh tế
Để nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, thời gian qua các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Yên Khánh đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, giảm nghèo. Tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trong việc tạo vốn vay cho hội viên, phụ nữ.
Trong 9 tháng đầu năm, các cơ sở Hội khai thác mới 21,8 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ trên địa bàn toàn huyện lên trên 600 tỷ đồng cho 10.029 lượt hộ vay.
Bên cạnh đó, nhằm giúp hội viên nâng cao kiến thức trong phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã phối hợp với các công ty, HTX nông nghiệp tổ chức 177 buổi chuyển giao KHKT về chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm... thu hút 13.781 người tham dự.
Tập trung tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của hội viên, phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp: thực hiện tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, vận động hội viên tuân thủ khoa học kỹ thuật, có sự liên kết trong sản xuất, bảo đảm sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.
Mô hình trồng mướp nhật của hội viên phụ nữ xã Khánh Thủy.
Đặc biệt, thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025", Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, hội viên phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Qua đó đã chọn 2 dự án khởi nghiệp có tính khả thi và ứng dụng cao trong thực tế để tham gia cuộc thi; có 19 đơn vị cơ sở đăng ký giúp 19 phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp.
Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 2 sản phẩm của phụ nữ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023.
Cùng với đó, hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm được quan tâm, 9 tháng năm 2023 các cấp Hội đã phối hợp giới thiệu việc làm cho 358 hội viên phụ nữ làm việc tại các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp, tiếp tục duy trì các nghề phụ và nghề truyền thống.
Chỉ đạo các cơ sở Hội duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động tương hỗ, giúp nhau phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm của hội viên phụ nữ tại cộng đồng theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng chí Hoàng Thị Kim Thi, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Khánh cho biết thêm: Kinh tế gia đình hội viên phát triển như một đòn bẩy quan trọng thúc đẩy các phong trào thi đua, khẳng định hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ, đồng thời góp phần tạo nên những đổi thay ở vùng quê nông thôn mới.
Những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia công tác Hội đều được Hội LHPN các cấp kịp thời biểu dương, khen thưởng, tạo động lực để chị em tiếp tục vươn lên và ngày càng gắn bó với tổ chức Hội.
Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả, cách làm hay trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ học hỏi kinh nghiệm; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.