'Phù phép' quần áo cũ thành các tấm thảm sắc màu

Tận dụng những quần áo tưởng chừng bỏ đi, nhiều phụ nữ tại Tunisia đã 'phù phép' biến chúng thành những tấm thảm đầy màu sắc.

Bà Najet, 52 tuổi, sinh sống tại thị trấn Nefta làm thảm từ quần áo cũ. Ảnh: minutemirror

Bà Najet, 52 tuổi, sinh sống tại thị trấn Nefta làm thảm từ quần áo cũ. Ảnh: minutemirror

Thông qua một dự án độc đáo tại Tunisia, những mặt hàng thủ công truyền thống và thân thiện với môi trường này đang chinh phục thị trường trong và ngoài nước.

Bà Najet, 52 tuổi, sinh sống tại thị trấn Nefta, cách thủ đô Tunis 500 km về phía Nam, chia sẻ thuở nhỏ, bà đã được học cách dệt vải từ mẹ và hiện giờ kiếm sống nhờ công việc này. Bà Najet tận dụng quần áo cũ hay quần áo rẻ tiền để làm ra những chiếc thảm kilim truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà bán những chiếc thảm làm từ vật liệu tái chế thông qua Shantin - một doanh nghiệp xã hội giúp các thợ thủ công trên khắp Tunisia tiếp cận người mua và đem lại doanh thu đáng kể cho một số cộng đồng chịu thiệt thòi. Shanti do người cháu trai của Najet là Mehdi Baccouche, người Tunisia gốc Pháp, thành lập.

Năm 2014, anh Baccouche nhờ dì dệt thảm cho những người bạn của mình, sau đó chuyển sang bán thảm qua Facebook. Nhận thấy tiềm năng kinh doanh, anh đã lập ra Shanti 2 năm sau đó để thu mua thảm và chịu trách nhiệm phân phối cho khách hàng. Doanh nghiệp này cũng tuyển dụng những nhà thiết kế làm việc với các nghệ nhân để nâng cao tay nghề của họ và giúp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hiện Tunisia vẫn có 1.600 công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may, đem lại hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động. Tại thị trấn Nefta với khoảng 22.000 dân, Shanti cũng mở cửa hàng bán phụ liệu may mặc để các thợ dệt có thể nhận miễn phí các cuộn len tái chế từ quần áo cũ.

Trước đây, những phụ nữ dệt thảm phải đi tìm mua vật liệu để kiếm được 12-15 euro/chiếc thảm. Nhưng hiện Shanti trả họ 40 euro (43 USD)/chiếc, với giới hạn mỗi tháng mỗi người tối đa 4 chiếc để tránh làm việc quá sức. Doanh nghiệp này đang bán thảm trong nước và xuất khẩu ra cả thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, Shanti cũng giúp người lao động cải thiện nơi làm việc, như trang bị điều hòa không khí – một vật dụng không thể thiếu trong những ngày Hè nóng bức tại miền Nam Tunisia. Công việc dệt thảm đã giúp nhiều phụ nữ vừa tăng thu nhập vừa thay đổi vị thế trong xã hội.

Không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh thảm “xanh”, Baccouche có tham vọng lớn hơn là mở rộng Shanti sang lĩnh vực du lịch sinh thái và nông nghiệp bền vững. Người sáng lập ra Shanti cho biết đang nỗ lực lập ra chuỗi sản xuất và logistics hoàn toàn thân thiện với môi trường./.

TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phu-phep-quan-ao-cu-thanh-cac-tam-tham-sac-mau/240852.html