'Phù phép' xe kinh doanh vận tải: Hợp tác xã chỉ là bình phong, quản thế nào?

Hợp tác xã dịch vụ vận tải có rất nhiều, song mô hình quản lý lỏng lẻo, khoán trắng mọi trách nhiệm cho lái xe, còn việc 'bán' phù hiệu vận tải diễn ra phổ biến

Thâm nhập đường dây "phù phép" xe kinh doanh vận tải

Kỳ 1: Dễ dàng mua biển số màu vàng giả

Kỳ 2: "Hô biến" đăng ký xe xin phù hiệu vận tải

Kỳ cuối: Hợp tác xã chỉ là bình phong, quản thế nào?

Theo các chuyên gia, đến lúc các cơ quan chức năng cần đánh giá toàn diện mô hình các hợp tác xã vận tải, không để các đơn vị này hoạt động chỉ như bình phong, gần như chỉ thực hiện làm thủ tục để thu tiền, bán phù hiệu...

Lái xe không nhớ tên hợp tác xã mình là thành viên

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, loại hình hợp tác xã dịch vụ vận tải xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, kể từ khi các ứng dụng gọi xe công nghệ như Uber, Grab vào thị trường Việt Nam.

Xe ô tô nhãn hiệu KIA mang BKS 30G-403.xx sau khi lắp biển số giả màu vàng.

Xe ô tô nhãn hiệu KIA mang BKS 30G-403.xx sau khi lắp biển số giả màu vàng.

Theo quy định, chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hình thức hợp đồng, du lịch, taxi mới được sử dụng hợp đồng vận tải điện tử. Vì thế, muốn được mở tài khoản của các hãng xe công nghệ để chở khách, cá nhân lái xe Grab hay Uber buộc phải gia nhập các hợp tác xã để được cấp phù hiệu xe hợp đồng.

Luật Hợp tác xã quy định, các hợp tác xã phải thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với người lao động. Tuy vậy, ngay từ khi xuất hiện, mô hình này được đánh giá là hoạt động chỉ mang tính hình thức. Mang danh là hợp tác xã vận tải nhưng việc quyết định giá cước và điều hành lái xe lại do Grab thực hiện.

Việc duy nhất hợp tác xã thực hiện là làm thủ tục để thu tiền, "bán" phù hiệu, không quản lý xã viên, không biết được họ đang hoạt động ra sao. Đến nay, mô hình này không có nhiều thay đổi. Chủ nhiệm hợp tác xã (nay là giám đốc) gần như không có tiếng nói gì đối với xã viên.

Là người chạy xe công nghệ ngay từ những ngày đầu, anh Nguyễn Mạnh Dũng (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, tất cả các hoạt động hàng ngày của cánh tài xế công nghệ đều thông qua phần mềm Grab, không liên quan đến quản lý của hợp tác xã. "Hầu hết các lái xe được hỏi đều không nhớ tên hợp tác xã mà mình là thành viên", anh Dũng nói.

Tương tự, anh Nguyễn Quốc Trung (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho hay, để có thể chạy được loại hình xe công nghệ ở Hà Nội, anh phải xin vào một hợp tác xã để được cấp phù hiệu, biển số vàng.

"Tài xế chỉ cần đăng ký làm thành viên, chụp giấy tờ, có giấy khám sức khỏe, đăng ký xe, bằng lái xe để mở tài khoản Grab. Lệ phí cấp phù hiệu 1 năm là 500.000 đồng", anh Trung nói.

Quản lý lỏng lẻo, không ràng buộc

Nhìn nhận về mô hình hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ vận tải, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, nhiều hợp tác xã dịch vụ vận tải giống như cầu trung gian, mục đích để hợp thức hóa giấy tờ nên việc quản lý ATGT, quản lý người lao động không được đảm bảo.

Xe ô tô nhãn hiệu KIA mang BKS 30G-403.xx dán phù hiệu xe hợp đồng do Sở GTVT Hà Nội cấp cho HTX dịch vụ vận tải Hưng Thịnh.

Xe ô tô nhãn hiệu KIA mang BKS 30G-403.xx dán phù hiệu xe hợp đồng do Sở GTVT Hà Nội cấp cho HTX dịch vụ vận tải Hưng Thịnh.

Thực tế, hợp tác xã có rất nhiều, song mô hình quản lý lỏng lẻo, không ràng buộc, khoán trắng mọi trách nhiệm cho lái xe. Việc hợp tác xã làm thuê, "bán" phù hiệu vận tải diễn ra phổ biến nhất đối với loại hình taxi công nghệ và xe dịch vụ dưới 7 chỗ.

"Các hộ cá thể kinh doanh vận tải đang hoạt động biến tướng bằng việc tham gia vào các hợp tác xã dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, các hợp tác xã này không quản lý họ, chỉ xin cấp phù hiệu và thu phí. Điều kiện về phương tiện, người lái bị thả nổi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông", ông Hùng nói.

Lãnh đạo Vận tải (Bộ GTVT) đánh giá, vẫn tồn tại nhiều hợp tác xã hoạt động trên danh nghĩa, thực chất thành lập để thực hiện các dịch vụ thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện.

"Phương tiện thế nào, hoạt động kinh doanh ra sao, nhân lực điều hành hoàn toàn do cá nhân thuê mượn. Trong quá trình hoạt động kinh doanh xảy ra vấn đề gì hợp tác xã không hay biết, không có trách nhiệm", lãnh đạo Vụ Vận tải cho hay.

Quản thế nào?

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch HĐQT Vinasun cho biết, nếu hợp tác xã vận tải vi phạm nhiều lần, cần tước luôn giấy phép kinh doanh, không cấp phù hiệu. "Có hợp tác xã có đến vài nghìn xã viên, rất khó quản lý được. Hiện có một số hợp tác xã chỉ sống dựa vào tiền lệ phí, rồi đem con bỏ chợ", ông Hỷ nói.

Cho rằng cần đánh giá lại toàn diện mô hình hợp tác xã dịch vụ vận tải, ông Nguyễn Công Hùng đề xuất, nên tham khảo kinh nghiệm ở các nước phát triển, chỉ cho phép các nghiệp đoàn và doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoạt động, còn cá nhân không được phép.

"Cần chấn chỉnh lại cách thức hoạt động bằng việc yêu cầu các hợp tác xã phải chấp hành đầy đủ các điều kiện và nghĩa vụ như các doanh nghiệp vận tải đang thực hiện, buộc họ quản lý các điều kiện an toàn về phương tiện, người lái và phải kê khai thuế", ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đánh giá lại mô hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ, để có điều chỉnh phù hợp hơn.

"Nếu vẫn duy trì hợp tác xã thì không thể chấp nhận mô hình dịch vụ hỗ trợ được, đặc biệt là đối với vận tải ô tô. Tới đây, khi sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có thể sửa theo hướng dẫn chuyển hợp tác xã sang các công ty để có thể quản lý tới từng tài xế", ông Quyền nói.

Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, để kiểm soát các hợp tác xã hiện nay, cần căn cứ vào hoạt động kinh doanh của họ. Nếu hợp tác xã chỉ là một thứ "bình phong", họ sẽ không tổ chức lao động sản xuất, quản lý lái xe hay quản lý an toàn giao thông…

Cũng theo lãnh đạo Vụ Vận tải, các quy định pháp luật về vận tải và các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã được ban hành cơ bản đầy đủ. Trách nhiệm đảm bảo ATGT thuộc về tất cả các chủ thể tham gia vào dây chuyền vận tải.

Trong đó, các hợp tác xã, đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch đảm bảo ATGT, phổ biến cho nhân viên, lái xe những quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm liên đới khi phương tiện và lái xe, nhân viên trên xe có vi phạm.

Bên cạnh đó, lái xe phải có hợp đồng lao động với đơn vị vận tải, với hợp tác xã. Trong hợp đồng phải quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, của hợp tác xã và của lái xe.

Từ ngày 11/9/2024, Báo Giao thông đăng loạt bài Thâm nhập đường dây "phù phép" xe kinh doanh vận tải", làm rõ thủ đoạn tinh vi của đường dây làm giả giấy tờ để xin cấp phù hiệu xe hợp đồng, đăng ký tài khoản Grab, Be, dùng xe biển số màu trắng để chở khách.

Tại kỳ 1 và kỳ 2 của loạt bài có đề cập tới người có tên Hoàng Anh và người này tự nhận là nhân viên của Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Bình Minh (trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội).

Ngay sau khi báo đăng, đại diện Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Bình Minh đã trao đổi, phản hồi tới Báo Giao thông, khẳng định Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Bình Minh không có nhân viên nào tên Hoàng Anh như nội dung bài viết.

Đại diện Báo Giao thông tiếp nhận thông tin phản ánh và cho biết, nội dung bài viết nêu rõ người này tự nhận là nhân viên Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Bình Minh. Báo Giao thông sẽ chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Nhóm PV

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phu-phep-xe-kinh-doanh-van-tai-hop-tac-xa-chi-la-binh-phong-quan-the-nao-192240917145048545.htm