Phủ Tây Hồ bình yên, văn minh trong dịp Rằm tháng Giêng

Là một trong những điểm di tích tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng của Hà Nội, từ Tết đến nay, phủ Tây Hồ thu hút hàng vạn người dân và du khách. Chuẩn bị cho ngày Rằm tháng Giêng, quận Tây Hồ đã xây dựng các phương án an ninh, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm bảo đảm an toàn, văn minh cho du khách.

Ghi nhận của Đoàn kiểm tra liên ngành vào chiều 11-2, công tác tổ chức hoạt động tín ngưỡng và lễ hội phủ Tây Hồ có nhiều điểm mới.

Sát ngày Rằm tháng Giêng, lượng khách đến phủ Tây Hồ tuy đông nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn. Ảnh ghi nhận vào chiều 11-2 (tức 14 tháng Giêng): Hoàng Lân

Sát ngày Rằm tháng Giêng, lượng khách đến phủ Tây Hồ tuy đông nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn. Ảnh ghi nhận vào chiều 11-2 (tức 14 tháng Giêng): Hoàng Lân

Điểm di tích “không dùng tiền mặt”

Phủ Tây Hồ là một ngôi đền thờ công chúa Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết, Phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, ngôi đền tọa lạc tại bán đảo lớn của làng Tây Hồ, nhô ra giữa Hồ Tây, ở số 52 đường Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội

Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng di tích Lịch sử - Văn hóa ngày 13-2-1996. Ngoài ra, tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là "cây di sản Việt Nam" và ở kế bên Phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng theo truyền thuyết. Ngày nay, phủ Tây Hồ mở hội vào 2 ngày lễ chính là mùng 3 tháng 3 âm lịch và ngày mùng 13 tháng 8 âm lịch.

Người dân lễ bái tại Phủ trật tự, quy củ. Ảnh: Hoàng Lân

Người dân lễ bái tại Phủ trật tự, quy củ. Ảnh: Hoàng Lân

Năm nay, để Lễ hội phủ Tây Hồ diễn ra an toàn, văn minh, UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu UBND phường Quảng An, Ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ xây dựng các phương án phân luồng giao thông; quy hoạch gian hàng; trang trí cảnh từ trước, trong và sau Tết. Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, phủ Tây Hồ là điểm tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng, thu hút rất đông người dân và du khách đến chiêm bái, đặc biệt vào các ngày lễ, Tết, rằm, mùng 1 và vào lễ hội phủ Tây Hồ. Vì thế, quận Tây Hồ đặc biệt lưu ý công tác tổ chức, quản lý hoạt động tín ngưỡng tại phủ trước, trong, sau Tết và vào dịp lễ hội.

Theo Chủ tịch UBND phường Quảng An Nguyễn Danh Thụ, phường đã xây dựng 25 điểm chốt phân luồng giao thông từ xa để tránh ách tắc; tiếp tục thực hiện 4 điểm trông giữ phương tiện thanh toán bằng hình thức quét mã QR-code (hè đường Đặng Thai Mai, phía sau Đền Kim Ngưu, hè ngõ 50 đường Đặng Thai Mai và ngõ 88 phố Quảng An). Nét mới của công tác tổ chức, quản lý tại phủ Tây Hồ những năm gần đây là các dịch vụ tại phủ đều hướng đến không dùng tiền mặt. Ban quản lý di tích yêu cầu tất cả hàng quán, dịch vụ niêm yết giá.

“Từ Tết đến nay, phường Quảng An đã tổ chức 6 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường tại các tuyến phố xung quanh phủ Tây Hồ; thường xuyên duy trì công tác vệ sinh , bố trí nơi thu gom và vận chuyển rác thải đúng nơi quy định; kiểm tra công tác vệ sinh môi trường xung quanh khu vực di tích, bảo đảm cảnh quan di tích xanh, sạch, đẹp”, ông Nguyễn Danh Thụ thông tin.

Những chuyển biến tích cực

Chiều 11-2, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác tổ chức lễ hội và hoạt động tín ngưỡng tại phủ Tây Hồ.

Hàng quán được quy hoạch gọn gàng. Ảnh ghi nhận vào tối 11-2: Hoàng Lân

Hàng quán được quy hoạch gọn gàng. Ảnh ghi nhận vào tối 11-2: Hoàng Lân

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, mặc dù sát ngày Rằm tháng Giêng nhưng hoạt động lễ bái tại phủ diễn ra trật tự, bình yên, ngăn nắp. Lượng người đến lễ tại phủ không quá đông, không xảy ra hiện tượng chen lấn. Việc phân luồng giao thông khiến cho người đến phủ Tây Hồ dễ dàng gửi xe với mức giá niêm yết, không xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách. Từ phía ngoài, các hàng quán được quy hoạch gọn gàng, có niêm yết giá dịch vụ. Các gian hàng viết sớ sắp xếp khu vực riêng, người viết sớ mặc đồng phục áo dài đỏ, khá đẹp mắt.

Đánh giá công tác tổ chức, quản lý tại phủ Tây Hồ, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho rằng, phủ Tây Hồ là một trong những điểm di tích, tín ngưỡng thực hiện tốt công tác tổ chức an ninh, an toàn và văn minh lễ hội. Những chuyển biến trong việc phân luồng giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, quy hoạch hàng quán ngăn nắp đã tạo nét văn hóa, là điểm sáng của công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn Hà Nội.

Khu vực viết sớ được sắp xếp riêng. Người viết sớ mặc trang phục áo dài đỏ khá đẹp mặt. Ảnh: Hoàng Lân

Khu vực viết sớ được sắp xếp riêng. Người viết sớ mặc trang phục áo dài đỏ khá đẹp mặt. Ảnh: Hoàng Lân

Công tác tổ chức, quản lý tại phủ Tây Hồ cũng được các thành viên trong đoàn kiểm tra ghi nhận. Tuy nhiên, do lượng khách đến phủ Tây Hồ trong dịp đầu xuân năm mới khá đông, đoàn kiểm tra liên ngành cũng chỉ ra những tồn tại cần lưu ý, đó là vẫn có một số ít hàng quán lấn chiếm vỉa hè; có nhiều loại bánh bày bán không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia các sở, ngành thành phố làm việc với UBND quận Tây Hồ và Ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ vào chiều 11-2. Ảnh: Hoàng Lân

Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia các sở, ngành thành phố làm việc với UBND quận Tây Hồ và Ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ vào chiều 11-2. Ảnh: Hoàng Lân

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài đề nghị, quận Tây Hồ cần tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhớ các hàng quán giữ gìn vệ sinh môi trường; tuyên truyền quy tắc ứng xử của thành phố và bộ quy tắc ứng xử lễ hội của Bộ VHTTDL; kiểm soát các bãi đỗ xe, không để phát sinh những bãi gửi xe tự phát; tăng cường kiểm tra bảo đảm an ninh, trật tự, văn minh, an toàn tại phủ.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phu-tay-ho-binh-yen-van-minh-trong-dip-ram-thang-gieng-692918.html