Phú Thọ giám sát kết quả thực hiện giai đoạn II- Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Ngày 15/11, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Thọ đã thực hiện giám sát với Ban Dân tộc tỉnh về tình hình triển khai và kết quả thực hiện giai đoạn II (2021 - 2025) của Đề án 'Giảm thiểu hình trạng tảo hôn và cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025'.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã thực hiện giám sát với Ban Dân tộc tỉnh về tình hình triển khai và kết quả thực hiện giai đoạn II (2021 - 2025) của Đề án “Giảm thiểu hình trạng tảo hôn và cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 50 thành phần dân tộc, trong đó DTTS chiếm 17,15%, đông nhất là dân tộc Mường (14,92%). Theo kết quả điều tra, tại thời điểm năm 2019, trên địa bàn vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Thọ có 0,13% có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 16 vụ tảo hôn, tập trung vào hai huyện Thanh Sơn và Tân Sơn. Trong đó, huyện Tân Sơn có 9 vụ, huyện Thanh Sơn có 7 vụ. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống không diễn ra, không tăng mới qua các năm.

 Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thị Thanh Huyền phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: DT&PT

Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thị Thanh Huyền phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: DT&PT

Để có kết quả này, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS; chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân được lồng ghép tại các hội nghị, trong trường học. Cán bộ văn hóa xã được tập huấn, nâng cao năng lực, kĩ năng vận động, tư vấn, tuyên truyền sâu về tảo hôn và cận huyết thống.

Tuy nhiên tình trạng tảo hôn vẫn còn, nguyên nhân là do trình độ dân trí và nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của một bộ phận người dân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại nhiều địa phương, trường học về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên chưa được sâu rộng.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đem lại những tác hại tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên; một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên có lối sống buông thả, đua đòi và yêu đương sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn. Sự thiếu quản lý, giáo dục con em của các bậc phụ huynh, nhất là các gia đình có điều kiện kinh tế, gia đình khó khăn phải đi làm ăn xa. Sự can thiệp từ chính quyền địa phương; sự phối hợp giữa các phòng, ban với UBND cấp xã chưa được chặt chẽ, nhất là việc rà soát, theo dõi, thống kê...

Tại buổi giám sát, thành các viên đoàn trong đoàn đã phát biểu và nêu ra một số tồn tại cần khắc phục: Công tác tuyên truyền cần phải sát thực tế đối với người DTTS; công tác thống kê, nắm thông tin số liệu từ cơ sở còn chưa chặt chẽ... Đồng thời đưa ra những giải pháp như: Xây dựng mô hình, nêu cao vai trò của Người uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng tộc; tuyên truyền miệng; đầu tư hạ tầng thiết yếu...

Kết luận buổi giám sát, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thị Thanh Huyền đề nghị Ban Dân tộc tỉnh phát huy được vai trò tham mưu, phối hợp; điều chỉnh báo cáo, bổ sung thông tin mà các ngành như: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch đã làm được; thống kê tình trạng tảo hôn, cận huyết thống. Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là huyện Tân Sơn và hai xã Thu Cúc, Đồng Sơn đi sâu, đi sát quan tâm hơn nữa đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường kỹ năng sống cho học sinh nhất là học sinh ở trường nội trú...

D.T

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phu-tho-giam-sat-ket-qua-thuc-hien-giai-doan-ii-de-an-giam-thieu-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-post272723.html