Phú Thọ hỗ trợ 3,2 triệu đồng/tháng tiền lưu trú và đi lại cho cán bộ sau sáp nhập

Tỉnh Phú Thọ sẽ hỗ trợ cán bộ lưu trú 2,4 triệu đồng/người/tháng và 800.000 đồng/tháng đối với các cán bộ phải di chuyển địa điểm làm việc do sáp nhập.

Áp dụng hỗ trợ đến hết ngày 30/6/2026

Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Phú Thọ vừa thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại và lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trên địa bàn sau khi sáp nhập tỉnh. Chính sách được thực hiện trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/6/2026.

Tỉnh Phú Thọ chính thức áp dụng hỗ trợ đối với cán bộ phải di chuyển, thay đổi địa điểm làm việc sau sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình.

Tỉnh Phú Thọ chính thức áp dụng hỗ trợ đối với cán bộ phải di chuyển, thay đổi địa điểm làm việc sau sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình.

Theo đó, tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng đối với các cán bộ phải di chuyển, thay đổi địa điểm làm việc sau sáp nhập. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ đi lại này sẽ không áp dụng đối với các trường hợp đã sử dụng phương tiện đưa đón tập trung.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ sẽ hỗ trợ cán bộ chi phí lưu trú 2,4 triệu đồng/người/tháng (không áp dụng đối với các trường hợp đã được hưởng chính sách nhà ở công vụ).

Động viên tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ (mới) có diện tích tự nhiên 9.361,381km2, quy mô dân số trên 4 triệu người và có 148 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc tỉnh.

Phú Thọ chốt phương án hỗ trợ cán bộ sau sáp nhập tỉnh 2,4 triệu đồng/tháng chi phí lưu trú, 800.000 đồng/tháng chi phí đi lại.

Phú Thọ chốt phương án hỗ trợ cán bộ sau sáp nhập tỉnh 2,4 triệu đồng/tháng chi phí lưu trú, 800.000 đồng/tháng chi phí đi lại.

Được biết, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình (cũ) dự kiến đăng ký lưu trú sau sáp nhập tỉnh khoảng 4.405 người, trong đó cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý khoảng 270 người; công chức, viên chức là 4.135 người.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đang xây dựng phương án sử dụng lại hệ thống trụ sở cơ quan, đơn vị hiện có của 3 tỉnh trước sáp nhập theo hướng tận dụng tối đa cơ sở vật chất sẵn có, tránh lãng phí và đảm bảo hoạt động thông suốt.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhất là tại nơi tập trung các khu, cụm công nghiệp nhằm giúp cho cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu có cơ hội tiếp cận.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại và lưu trú cho cán bộ nhằm kịp thời động viên tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại và lưu trú cho cán bộ nhằm kịp thời động viên tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn cần phải được cải tạo, nâng cấp, trước mắt ưu tiên các trục đường kết nối giữa Hòa Bình - Việt Trì - Vĩnh Phúc để rút ngắn thời gian di chuyển, tạo động lực kết nối, thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Liên quan đến các nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Đặng Xuân Phong cho biết, sau sáp nhập tỉnh và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7, tổng sản phẩm GRDP toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm tăng 10,09%, xếp thứ 6/34 tỉnh, thành phố. Cả 3 địa phương trước sáp nhập đều có mức tăng trưởng cao và thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Về chế độ hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định cần được xem xét thấu đáo, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức an tâm công tác sau quá trình sáp nhập.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại và lưu trú cho cán bộ mà tỉnh Phú Thọ đang triển khai thực hiện, nhằm kịp thời động viên tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hội đồng nhân dân tỉnh cũng thông qua Nghị quyết Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Phú Thọ (sau hợp nhất) gồm 108.122,993 tỷ đồng; bao gồm: vốn ngân sách Trung ương 34.245,925 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 73.877,068 tỷ đồng.

Số dự án cấp tỉnh quản lý là 1.409 dự án, tổng mức đầu tư là 150.458,534 tỷ đồng; vốn đã bố trí 106.553,608 tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư công năm 2025 gồm 21.138,913 tỷ đồng; bao gồm: vốn ngân sách trung ương 8.550,63 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 12.588,283 tỷ đồng.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng thông qua nghị quyết về việc xử lý hiệu lực một số nghị quyết của HĐND tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình trước sáp nhập để áp dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Theo đó, HĐND tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện 29 nghị quyết của HĐND 3 tỉnh ban hành trước đây để áp dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (mới); bãi bỏ toàn bộ 67 nghị quyết và dừng thực hiện 4 nghị quyết của Hội đồng nhân dân 3 tỉnh (cũ).

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phu-tho-ho-tro-32-trieu-dongthang-tien-luu-tru-va-di-lai-cho-can-bo-sau-sap-nhap-post1217371.vov