Phú Thọ: Làng Thủy Trầm tất bật bắt cá chép đỏ trước ngày ông Công, ông Táo
Chỉ còn 1 ngày nữa sẽ đến ngày tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch). Thời điểm này người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đang tất bật xuống ao bắt cá cung cấp ra thị trường.
Làng Thủy Trầm tại xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ được biết đến với thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm nổi tiếng khắp cả nước. Đây là 1 ngôi làng nhỏ ven sông Hồng với gần 700 hộ dân sinh sống ở 3 khu 1, 2 và 3, trong đó có tới 90% số hộ nuôi chép đỏ với diện tích hơn 30ha. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, hàng tấn chép đỏ được đưa đi khắp nơi để bán.
Những ngày này ở làng Thủy Trầm, người dân lại tất bật đánh bắt cá chép đỏ để phục vụ thương lái.
Khi thời điểm chỉ còn khoảng hơn 1 ngày nữa là đến ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời (23/1 âm lịch).
Được biết, hằng năm cứ gần đến ngày 23 tháng Chạp, chợ phiên Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, tỉnh Phú Thọ, lại đỏ rực màu cá. Cá được đựng những chiếc bể để đợi người mua. Nhưng năm nay tại chợ cá làng Thủy Trầm có phần vắng vẻ, rất ít thương lái đến mua. Nhiều thương lái đã mua cá từ trước, nhưng do dịch Covid-19 bùng phát mới đây, nhiều người dân ở đây lo ngại sẽ không đến lấy được cá.
Một người dân nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm chia sẻ: "Bể cá của gia đình đang có 3 tấn cá, trị giá khoảng 300 triệu đồng và đã được khách hàng Hà Nội đặt hết, nhưng hiện vẫn chưa lấy. Khả năng bị lỗ vốn nặng...".
Những con cá chép tại làng Thủy Trầm có kích cỡ vừa phải, khỏe, đỏ tươi, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên.
Hằng năm ở đây vẫn đón các thương lái ở Sơn La, Điện Biên, Hà Nội hay Hải Phòng, Quảng Ninh vào để mua cá.
Thông thường các con cá giống sẽ được tiến hành nuôi từ hồi giữa năm, người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp.
Cá khi bắt khỏi ao đưa về bể sẽ được phân loại, giá bán tại làng từ 100.000 – 150.000/kg.
Hiện nay, nghề nuôi cá chép đỏ không chỉ mang lại kinh tế cho người dân mà còn là nét văn hóa truyền thống đã có từ bao đời của người dân nơi đây.
Mỗi hộ gia đình trong thôn này đều có ít nhất từ 2 – 3 ao cá, khi nuôi người dân chăm sóc và cho cá ăn thức ăn do chính tay mình làm ra chứ không cho ăn những loại cám kích thích khác.