Phú Thọ: Nhiều chương trình tái hiện hình ảnh thời đại Hùng Vương

Trong khuôn khổ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ tổ chức đợt chiếu phim từ ngày 29/3-7/4 (tức ngày 01 - 10/3 năm Ất Tỵ) tại Rạp chiếu phim Hòa Phong, thành phố Việt Trì.

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ sẽ trình chiếu nhiều bộ phim Việt Nam với đề tài đa dạng, ý nghĩa như: Thời đại Hùng Vương, đền Hùng - Tâm linh nguồn cội, Tinh hoa di sản thời đại Hùng Vương, Ký sự đền Hùng, Trên miền Đất Tổ Hùng Vương, đền Mẫu Âu Cơ - Ấm huyền thoại mẹ; Bình minh đỏ; Dòng máu anh hùng, Tây Sơn hào kiệt, Khoảng khắc chiến tranh, Áo lụa Hà Đông,... Cùng với điểm chiếu phim tại Rạp chiếu phim Hòa Phong, các đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm cũng phối hợp với các đơn vị ở cơ sở tổ chức các chương trình chiếu phim phục vụ nhân dân trên toàn tỉnh.

Bộ phim tài liệu “Thời đại Hùng Vương” tái hiện từ khi các vua Hùng mở nước, dựng nước và giữ nước.

Bộ phim tài liệu “Thời đại Hùng Vương” tái hiện từ khi các vua Hùng mở nước, dựng nước và giữ nước.

Đặc biệt, trong đợt chiếu phim này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức chiếu thử nghiệm bộ phim tài liệu “Thời đại Hùng Vương”, được sản xuất với công nghệ full HD, sử dụng kỹ xảo 3D.

Bộ phim gồm 4 chương, thời lượng khoảng 22 phút, với các nội dung khái quát về thời đại Hùng Vương từ khi các Vua Hùng mở nước, dựng nước và giữ nước; được thể hiện sinh động qua các câu chuyện truyền thuyết gắn liền với thời đại Hùng Vương.

Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 khẳng định, việc trình chiếu bộ phim tài liệu “Thời đại Hùng Vương” là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, làm phong phú thêm chuỗi các hoạt động của giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025.

Đây là một phương thức chuyển tải mới giúp người xem có một cách tiếp cận mới sinh động hơn, dễ hiểu hơn về lịch sử, truyền thống, văn hóa của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, quảng bá, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông ta đã để lại, lan tỏa hơn nữa giá trị của 2 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.

Nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức trưng bày hơn 300 hiện vật đặc trưng “Văn hóa Hùng Vương". Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ trưng bày chuyên đề “Văn hóa Hùng Vương trong dòng chảy văn minh sông Hồng”.

Trưng bày hơn 300 hiện vật đặc trưng “Văn hóa Hùng Vương".

Trưng bày hơn 300 hiện vật đặc trưng “Văn hóa Hùng Vương".

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các lớp trầm tích văn hóa thời đại Hùng Vương dần được bồi tụ và thấm sâu vào đời sống văn hóa của cộng đồng. Những giá trị văn hóa ấy được hiện hữu sinh động qua những truyền thuyết huyền ảo, các công trình thờ tự linh thiêng, các tín ngưỡng, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống và trong các dấu tích di chỉ khảo cổ.

Tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc là vùng đất cổ, nơi phát tích và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa bản địa có từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước và sự hình thành của nền văn minh sông Hồng. Trên cơ sở đó, Bảo tàng tỉnh Phú Thọ và Bảo tàng - Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc đã lựa chọn hơn 300 hiện vật đặc trưng, tiêu biểu, độc đáo về thời kỳ bình minh của lịch sử dân tộc để trưng bày trong chuyên đề. Các hiện vật được trưng bày rất đa dạng về chất liệu như: Đồ đá, đồ gốm, xương, sừng, đồ đồng; đồng thời, cũng rất phong phú với các bộ sưu tập về: Vũ khí, đồ dùng trong lao động sản xuất, đồ trang sức.

Phùng Hằng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phu-tho-nhieu-chuong-trinh-tai-hien-hinh-anh-thoi-dai-hung-vuong-397513.html