Phú Thọ: Tỉ lệ ca mắc HIV/AIDS mới giảm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam từ năm 2020 đến nay có xu hướng gia tăng, với hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV mới mỗi năm, tăng hơn 3.000 trường hợp/năm so với giai đoạn 2017- 2019. Đáng chú ý, tỉ lệ nam giới nhiễm HIV tăng nhanh, trong đó phần lớn là nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Tại tỉnh Phú Thọ, số ca nhiễm HIV/AIDS mới trong những năm gần đây liên tục giảm, tuy nhiên có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Bệnh nhân đến khám tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh

Cụ thể, năm 2019, số ca mắc HIV/AIDS mới là 150 người, năm 2020 là 111 người, năm 2021 là 94 người và năm 2022 là 76 người (tính đến hết 31/10). Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm HIV ở nhóm tuổi đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, số người nhiễm HIV lây qua quan hệ tình dục vẫn tiếp tục gia tăng.

Tính đến hết năm 2022, số người lũy tích nhiễm HIV trong toàn tỉnh là: 3.686 người, trong đó, có 1.740 người chuyển AIDS; 1.622 người đã tử vong. Số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống quản lý được là: 2.064 người.

Theo nhận định của Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế), số người phát hiện nhiễm HIV trong năm 2022 tại tỉnh có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên, dịch HIV vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng, tỷ lệ lây truyền HIV qua đường tình dục không an toàn lên đến 58,2%. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. MSM và nhóm chuyển giới (TG) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới. Tại Phú Thọ, trong số những người được phát hiện nhiễm mới HIV năm 2022, tỉ lệ nữ chiếm 29,45%, còn nam chiếm đến 70,55%.

Các cơ sở y tế đều đảm bảo đủ nguồn cung ứng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS, người bị phơi nhiễm HIV

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc. Đây là những mục tiêu hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung, để hướng tới mục tiêu 95-95-95 nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra vào năm 2030. Phú Thọ nằm ở khu vực miền núi phía Bắc với tỉ lệ nhiễm HIV chiếm 8%. Dự báo, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao được phát hiện, như vợ/chồng, bạn tình của người nhiễm. Do đó, gây khó khăn cho việc triển khác các biện pháp can thiệp giảm hại, cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV sớm, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa – nơi người dân không có đủ kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nên vẫn còn những trường hợp tử vong ở giai đoạn muộn của AIDS.

Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài nên việc triển khai các hoạt động trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng bị hạn chế, ảnh hưởng. Tình trạng mặc cảm, kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nên một số người nhiễm còn ngại tiếp xúc với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, gây khó khăn trong công tác tư vấn, quản lý điều trị. Cán bộ y tế làm chuyên trách HIV tại các tuyến còn thiếu, phần lớn kiêm nghiệm nhiều việc, thay đổi vị trí việc làm nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt đồng tại cộng đồng. Việc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc Methadone thông qua việc bệnh nhân phải đến uống thuốc tại cơ sở điều trị hàng ngày là khó khăn rất lớn với bệnh nhân ở xa, dẫn đến tình trạng có nguy cơ bỏ điều trị cao.

Biểu đồ thể hiện tỉ lệ các con đường lây nhiễm và độ tuổi tại tỉnh Phú Thọ năm 2022

Trong bối cảnh chung của cả nước với số người nhiễm mới tăng nhanh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát hỗ trợ kỹ thuật các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tới Trung tâm y tế của 13 huyện/thị/thành, và các xã/phương/thị trấn để hỗ trợ rà soát lại số người nhiễm HIV/AIDS mới. Qua rà soát, trên 90% số huyện và số xã triển khai thực hiện đúng các hoạt động của chương trình dự án phòng, chống HIV/AIDS, 91% là đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động của Chương trình, Dự án phòng, chống HIV/AIDS hàng năm đã mang lại hiệu quả thiết thực. Số người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được quản lý theo dõi sát, bảo mật, không trùng lặp, số người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tư vấn xét nghiệm định kỳ. Các hoạt động trong công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai tại cộng đồng ngày càng đi vào nề nếp, chiều sâu, bài bản khoa học hơn và đã đánh giá, dự báo đúng tình hình dịch HIV tại cộng đồng, góp phần xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động trong năm tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn. Chương trình can thiệp giảm tác hại được triển khai tại 100% các xã, phường, thị trấn của 13/13 huyện, thị, thành, trong đó có 5 huyện được dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ và 5 phòng điều trị ARV được dự án AHF hỗ trợ cho các hoạt động về chăm sóc điều trị HIV/AIDS và tiếp cận tại cộng đồng là TP Việt Trì, TX Phú Thọ, các huyện Đoan Hùng, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn. Các hoạt động can thiệp được thực hiện thường xuyên tại tuyến cơ sở, như cung cấp các vật dụng can thiệp giảm tác hại, cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm trực tiếp hoặc qua các loại hình khác như các điểm cố định, cơ sở lưu trú…

BSCKI. Lương Đình Dụng – Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Năm 2022, Trung tâm đã tổ chức tập huấn 5 lớp can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV cho 300 tuyên truyền viên đồng đẳng, cộng tác viên, tình nguyện viên, nhân viên y tế thôn bản của 13 huyện, thị, thành. Đến nay, 100% các đơn vị y tế thực hiện tốt công tác truyền thông, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, cung cấp đủ vật dụng phòng tránh lây nhiễm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao; thực hiện chương trình điều trị nghiện CDTP bằng thuốc Methadone tại 13/13 huyện, thành thị theo chỉ đạo của UBND tỉnh và có sự phối hợp lồng ghép trong trong triển khai hoạt động tại địa phương với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Năm 2023, Trung tâm sẽ đưa nhóm MSM vào chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//y-te/phu-tho-ti-le-ca-mac-hiv-aids-moi-giam/189515.htm