'Phù thủy' sơn mài kiếm tiền tỷ từ tác phẩm độc bản
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Công ty TNHH DOLA Việt Nam) phá cách bằng cách 'tượng hóa'sơn mài thành những tác phẩm tạo hình độc, lạ có giá hàng tỷ đồng.
Phá vỡ sự nhàm chán, rập khuôn
Trong tiết trời lành lạnh đầu xuân, căn nhà gỗ cổ năm gian hai chái trưng bày những tác phẩm độc bản mộc của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát được sưởi ấm bởi hương trầm thoang thoảng.
Nghệ thuật sắp đặt đã biến căn nhà mộc mạc thành bảo tàng nghệ thuật sơn mài với hàng nghìn tác phẩm đa sắc, độc đáo. Như tác phẩm Kiến bò dại bếp, tả cảnh đàn kiến bò tan tác trên vách nhà tranh trước ngày mưa bão. Tác phẩm Ốc sên chạy lụt miêu tả đàn sên đang vươn cổ cao khỏi vỏ chạy ven mép tường ngày mưa lầy lội...
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát luôn đổi mới, sáng tạo những tác phẩm sơn mài với ý tưởng, chất liệu mới, không trùng lặp. Anh đã xây dựng cho mình một lối đi riêng. Những hình tượng đục đẽo không hoàn toàn là tinh xảo nhưng có duyên, có hồn.
Ông Vũ Hy Thiều, nguyên Viện trưởng Viện Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam
Ở đây cũng trưng bày nhiều bộ linh vật ứng với từng năm, như bộ bức tượng mèo tượng trưng năm Quý Mão 2023; Bộ bức tượng hổ, biểu trưng năm Nhâm Dần 2022. Rồi những tác phẩm đoạt giải như Gia đình gà, tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019; tác phẩm Trâu hoa Lạc Việt đoạt giải Nhì cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2020.
Sản phẩm chủ đạo đón tết Nguyên đán 2024 này là tác phẩm sơn mài Ghế rồng được chế tác từ 2.500 lá vàng, tương đương với 500g vàng 24K.
Anh Phát lý giải, rồng vốn dĩ không có thật nhưng nó lại gắn chặt với người dân Việt Nam qua truyền thuyết "con rồng cháu tiên". Ghế rồng năm móng tượng trưng cho sự vững chãi, đuôi rồng như lá bồ đề mang ý nghĩa thiện tâm, tư thế uốn lượn như chuẩn bị bay lên, hướng về cái mới "chân, thiện, mỹ". Xung quanh, phía trên đầu rồng là hình cô tiên đủ dáng tạo ra sự hòa hợp vốn có giữa tiên và rồng.
Anh Phát chia sẻ, anh sinh ra tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), nơi gìn giữ không gian văn hóa đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Có lẽ vì thế giá trị văn hóa, nét đẹp lao động, sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành cảm hứng để anh sáng tác.
Nguyên liệu tạo nên tác phẩm được tận dụng từ những nguyên liệu sẵn có trong đời thường như gỗ mít, đá ong, vỏ trứng, vỏ xò, vỏ dừa... Tất cả tác phẩm đều độc bản, nhấn mạnh văn hóa xứ Đoài.
"Tôi muốn phá vỡ sự nhàm chán, rập khuôn khi mà cuộc sống, thị trường ngày càng chạy theo khuôn mẫu, khô khan và công nghiệp. Tác phẩm của tôi vẫn là chất sơn mài truyền thống, nhưng đó không phải là những bức tranh treo tường mà là những bức tượng gỗ mang trên mình lớp sơn mài truyền thống", anh cho hay.
Thay đổi để thích ứng xu hướng thị trường
Có những tác phẩm anh Phát để lại làm kỷ niệm, cũng có sản phẩm bày bán cho khách thập phương đến Đường Lâm tham quan với giá từ vài trăm nghìn đến vài trăm triệu đồng. Riêng tác phẩm Ghế rồng được bán giá 2 tỷ đồng.
Chia sẻ về hành trình lập nghiệp, anh cho hay, năng khiếu đã chắp cánh cho anh vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tự tin về những kiến thức học được trên ghế nhà trường cộng thêm sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu, anh đau đáu sáng tác bộ tác phẩm chất lượng làm luận văn tốt nghiệp, kỳ vọng sẽ "làm mưa, làm gió" thị trường.
Năm 2006, bộ tác phẩm Mặt nạ tuồng hoàn thành. Sau khi được chấm điểm tốt nghiệp rất cao, anh mang tác phẩm đi ký gửi tại các cửa hàng lưu niệm ở phố cổ Hà Nội. Nhưng rồi anh "ngã ngửa" khi sản phẩm loại ưu bị "treo" nửa năm mà không ai nhòm ngó.
Cũng trong năm 2006, anh phải mang sản phẩm về sửa đến gần 1 năm trời, có ngày xe đạp thủng xăm phải dắt bộ dầm mưa gần chục kilomet. Có lần vừa sửa, vừa ấm ức, anh vô tình khoan thủng ngón tay, máu chảy te tua nhưng sản phẩm vẫn không bán được.
Sau nhiều ngày đêm vò đầu, bứt tai, anh Phát ngộ ra rằng, tác phẩm muốn có người mua phải mang tính thị trường. Ngoài độc lạ, thứ khách hàng cần là sản phẩm có giá trị, phù hợp mục đích sử dụng và hợp túi tiền. Từ đó, anh đã điều chỉnh giảm kích thước sản phẩm, giá thành và tăng chất lượng. Nhờ đó, những tác phẩm đầu đời được lan tỏa.
Sau khi ra trường, anh vẫn theo đuổi ước mơ, mở phòng trưng bày ở con phố nhỏ ở quận Hoàng Mai. Vốn liếng đều đổ vào đứa con tinh thần với hy vọng nó mỗi ngày một lớn. Nhưng 5 năm liền, từ 2006 - 2011, cửa hàng vắng khách khiến anh chán nản.
Tiếp tục mày mò, học hỏi, anh mới vỡ lẽ những tác phẩm lưu niệm, mang đậm tính văn hóa không thể bày bán ngoài thị trường như những sản phẩm tiêu dùng. Nó phù hợp bày bán ở những nơi mang giá trị lịch sử, văn hóa. Đó là lý do anh trưng bày tác phẩm ở quê hương Đường Lâm, vùng đất hai vua, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.
Những tác phẩm mang hồn cốt dân tộc
Sự chuyển hướng kịp thời đã giúp tác phẩm của anh được lan tỏa không chỉ trong nước mà còn ra quốc tế. Như năm 2022, anh cùng bộ sản phẩm 2.022 con hổ hiện diện trên tờ Reuters (Anh). Từ đó, nơi trưng bày của anh trở thành điểm tham quan của nhiều du khách quốc tế.
Ngày nay, ngoài sáng tác những tác phẩm độc dị mộc, anh còn đào tạo hơn 200 học viên mới mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống.
Ông Đào Xuân Hồng Hải, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây cho biết, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đón tiếp khách du lịch, riêng năm 2023 đón khoảng hơn 10 vạn khách.
"Những tác phẩm của anh Phát đều mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, góp phần phát triển các sản phẩm du lịch cung cấp cho du khách, quảng bá hình ảnh và giá trị của di tích làng cổ ở Đường Lâm và các di tích khác trên địa bàn thị xã", ông Hải nói.
Còn PGS.TS Đặng Mai Anh, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhận xét: "Sản phẩm sơn mài của Nguyễn Tấn Phát là tác phẩm sơn mài thủ công truyền thống, mang hồn cốt của dân tộc. Tác phẩm tạo hình không hề bị cũ, mà luôn sống động mang hơi thở đương đại. Đây là điều mà giới trẻ còn rất ít người làm được".