Phủ trắng công nghệ, TT-Huế 'hiện thực hóa' gợi mở của Bộ trưởng Bộ TT&TT
Từ gợi mở của Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc 'phủ trắng công nghệ' cho người dân, tỉnh TT-Huế sẽ có chính sách để đảm bảo 100% người dân được tiếp cận chương trình phổ cập điện thoại thông minh (smartphone).
Ngày 26/7, UBND tỉnh TT-Huế cho biết, cơ quan này vừa ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Kế hoạch đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đối với việc phát triển hạ tầng số ở TT-Huế đến năm 2025.
Về hạ tầng viễn thông băng rộng, tỉnh TT-Huế đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng di động đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 100%; tỷ lệ dùng chung vị trí trạm BTS đạt 30%, dùng chung cột treo cáp đạt 98%...
Về việc sử dụng dịch vụ viễn thông, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 80%; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet đạt 90%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 100%...
Đối với hạ tầng điện toán đám mây, tỉnh TT-Huế đặt mục tiêu 100% cơ quan quản lý nhà nước dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số; 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp; trung bình mỗi người dân có 1 tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Đối với hạ tầng công nghệ số, địa phương này phấn đấu các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT) bước đầu thâm nhập vào nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng và thiết lập ban đầu hệ thống tiêu chuẩn AI, blockchain, IoT; hình thành được nhóm các chuyên gia hỗ trợ sự phát triển công nghệ AI, blockchain, IoT, hệ sinh thái hạ tầng công nghệ AI, blockchain, IoT...
Về nền tảng số, tỉnh TT-Huế phấn đấu 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Tỉnh cũng sẽ hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Đáng chú ý, TT- Huế sẽ có chính sách ưu tiên người sử dụng thiết bị do Việt Nam sản xuất và hỗ trợ, trợ giá cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh để đảm bảo 100% người dân được tiếp cận chương trình phổ cập điện thoại thông minh (smartphone).
TT- Huế chuyển đổi số 'theo con đường riêng'
Trước đó, vào cuối tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với tỉnh TT-Huế về công tác chuyển đổi số.
Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh TT-Huế cho biết, công tác chuyển đổi số thời gian qua đã tạo sức lan tỏa trong tất cả hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc phát triển hạ tầng số, nhân lực số… còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa xứng tầm; Hoạt động quản lý và các hoạt động có liên quan quản lý trên nền tảng số để nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như năng lực chuyển đổi số còn nhiều hạn chế...
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những thành quả đã đạt được của tỉnh TT-Huế trong công tác chuyển đổi số cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tỉnh TT-Huế là một trong những địa phương đi đầu, có nhiều thành tích nổi bật trong công tác chuyển đổi số, nhưng TT-Huế nên chọn con đường riêng, khác so với các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang… để phát triển nhân lực, hạ tầng,… phục vụ chuyển đổi số.
“Thừa Thiên - Huế nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thiết lập các trung tâm chế tạo phần mềm, CNTT. Nên đi theo hướng đào tạo những người tham gia nghiên cứu, làm ra sản phẩm thì mới phát triển bền vững được”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, chuyển đổi số lấy chủ thể người dân làm trọng tâm, công nghệ đóng vai trò hỗ trợ tích cực và quay lại phục vụ người dân.
Để làm tốt điều này, địa phương quan tâm, nâng cấp hệ thống hạ tầng số. Ít nhất mỗi hộ gia đình phải có một cái smartphone, như vậy người dân TT-Huế sẽ tự tiếp cận được công nghệ.
“Phải phủ hết vùng trắng công nghệ cho người dân. Người nghèo không bao giờ nghèo mãi nếu sớm cho họ tiếp cận được với CNTT”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Đối với đề xuất của tỉnh về việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ số cho hơn 20.000 hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chỉ cần mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang, 1 thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng thì việc này hoàn toàn sẽ được giải quyết.
Bộ trưởng cũng chia sẻ cách thức giải quyết theo nguyên tắc: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng thực hiện. Theo đó, người dân bỏ một phần chi phí, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trang bị thiết bị và doanh nghiệp trợ giá để cùng triển khai.