Phú Xuyên: Kết nối du lịch làng nghề với nông nghiệp trải nghiệm
Không chỉ nổi danh với những làng nghề thủ công truyền thống, huyện Phú Xuyên còn sở hữu hàng chục nghìn héc-ta đất nông nghiệp màu mỡ, là lợi thế hiếm có. Nếu biết kết nối hài hòa giữa du lịch làng nghề và nông nghiệp trải nghiệm, Phú Xuyên hoàn toàn có thể định vị được trên bản đồ du lịch ngoại thành Hà Nội.
Thế mạnh từ nông nghiệp và làng nghề
Từ lâu, huyện Phú Xuyên được biết đến là vùng đất trăm nghề của Thủ đô, với các sản phẩm phong phú, từ giày da, dép, đồ gỗ đến mây, tre đan, cỏ tế, khảm trai... Không những vậy, nơi đây còn là một trong những vùng nông nghiệp trọng điểm của Hà Nội, với những cánh đồng lúa trải dài, hệ thống trang trại, vườn - ao - chuồng ngày càng phát triển, hình thành không gian nông thôn giàu tiềm năng du lịch trải nghiệm.

Du khách thích thu tham gia trải nghiệm các mô hình trang trại tại thôn Lưu Xá, xã Phú Túc. Ảnh: Sơn Tùng
Thực tế, nhiều xã nghề, như: Chuyên Mỹ, Phú Túc không chỉ gìn giữ nghề truyền thống, mà còn mạnh dạn chuyển đổi đất nông nghiệp, hình thành các mô hình trang trại quy mô lớn, cảnh quan đẹp và rất phù hợp để đón khách tham quan. Khi hai loại hình du lịch: Làng nghề và nông nghiệp được tích hợp, bổ trợ cho nhau, Phú Xuyên sẽ có cơ hội nâng tầm hình ảnh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và xây dựng một mô hình phát triển bền vững cho vùng quê này.
Không chỉ có nghề khảm trai nổi tiếng, xã Chuyên Mỹ còn khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay và hệ thống trang trại xanh mướt đang từng ngày định hình diện mạo mới cho vùng quê. Với hơn 500ha đất nông nghiệp, trong đó có 240ha đã chuyển đổi thành mô hình trang trại tổng hợp, Chuyên Mỹ đang dần khẳng định một hướng phát triển nông nghiệp bền vững, song song với bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề.
Đáng chú ý, Chuyên Mỹ đã được thành phố Hà Nội công nhận là Điểm đến du lịch làng nghề. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Chuyên, xã Chuyên Mỹ Vũ Văn Đình, những tiềm năng về không gian làng nghề kết hợp trang trại sinh thái chính là điều kiện thuận lợi để xã khai thác, phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp. “Nếu kết nối được loại hình du lịch làng nghề và nông nghiệp trải nghiệm, không chỉ sản phẩm làng nghề địa phương được nâng giá trị, mà đời sống người dân cũng sẽ thay đổi theo hướng xanh, sạch, bền vững”, ông Vũ Văn Đình chia sẻ.
Tương tự, xã Phú Túc - nơi nổi danh với nghề đan cỏ tế truyền thống hơn 300 năm tuổi cũng đã được Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch làng nghề của thành phố. Không chỉ giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, Phú Túc còn mở rộng quy mô những vùng chuyên canh, xây dựng hệ thống trang trại, vườn cây ăn quả xanh mướt, phong phú, tạo nên một bức tranh nông thôn giàu sức sống. Theo ông Đặng Quốc Triệu, Trưởng thôn Lưu Xá, xã Phú Túc, nếu kết hợp khéo léo giữa du lịch làng nghề và du lịch nông nghiệp trải nghiệm, thì đây chính là cơ hội mở ra một hướng phát triển bền vững cho người dân. Du khách về Phú Túc tham quan, trải nghiệm, không chỉ nhìn ngắm bàn tay người thợ làm nên những sản phẩm cỏ tế tinh xảo, mà còn có thể thả mình giữa những vườn cây trái, ao cá của quê hương.

Làng nghề cỏ tế Phú Túc với nhiều sản phẩm thủ công độc đáo. Ảnh: Sơn Tùng
Không chỉ Chuyên Mỹ, Phú Túc, các xã: Phượng Dực, Vân Từ, Phú Yên cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch làng nghề gắn với sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xã Vân Từ còn có thôn Cựu, một ngôi làng cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, với những dãy nhà biệt thự rêu phong, cổng làng xưa cũ, đậm chất “hồi ức thời gian”, nằm ngay gần những trang trại, cánh đồng xanh mướt, tạo điểm nhấn cho bức tranh du lịch của Phú Xuyên.
Bứt phá nhờ kết hợp du lịch làng nghề và nông nghiệp
Trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện có 4 địa phương được UBND thành phố công nhận là Điểm du lịch làng nghề, gồm: Vân Từ, Chuyên Mỹ, Phú Yên và Phú Túc. Trong năm 2025, huyện phấn đấu có thêm ít nhất một điểm du lịch làng nghề được công nhận, góp phần mở rộng không gian trải nghiệm cho du khách.
Huyện Phú Xuyên định hướng rõ, phát triển kinh tế du lịch, nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng tích cực xây dựng các tuyến du lịch kết nối các điểm đến đặc sắc, từ chùa Ráng (Quang Lãng) đến đình làng Giẽ Hạ, Giẽ Thượng, làng nghề da giày Phú Yên, làng Cựu (Vân Từ), làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, các cơ sở đồ gỗ Tân Dân, Quang Hà...
Đặc biệt, những tháng đầu năm 2025, Phú Xuyên tiếp tục đón nhận nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế ý nghĩa, như: Phối hợp sản xuất chương trình truyền hình thực tế với đoàn nghệ sĩ Rumani tại làng Tò he Xuân La (Phượng Dực), hay tổ chức các tour thực tế cho hàng trăm sinh viên từ các trường đại học danh tiếng của Hà Nội đến khảo sát, trải nghiệm không gian làng nghề.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết, Phú Xuyên có lợi thế kép, vừa là vùng đất giàu truyền thống với nhiều nghề thủ công, vừa sở hữu diện tích đất nông nghiệp lớn và không gian quê thanh bình, rất phù hợp để phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, sinh thái kết hợp du lịch làng nghề.

Xã Vân Từ không chỉ nổi tiếng với nghề may, mà không gian làng Cựu cổ kính, đem tới nhiều tiềm năng phát triển du lịch cho địa phương. Ảnh: ST
“Thời gian tới, Phú Xuyên tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch làng nghề, đồng thời hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn và đào tạo nguồn nhân lực để đón đầu xu hướng du lịch trải nghiệm, du lịch xanh”, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính nhấn mạnh.