Phú Yên: 70 tổ truyền thông cộng đồng góp phần xóa bỏ định kiến giới và các tập tục văn hóa có hại

Triển khai Dự án 8 giai đoạn 2021-2025, các cấp Hội tỉnh Phú Yên đã tạo những dấu ấn trong công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đồng thời bảo vệ quyền lợi trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.

 Hội LHPN huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) tổ chức Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật bình đẳng giới

Hội LHPN huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) tổ chức Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật bình đẳng giới

Theo bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên, một trong những thành công nổi bật không thể không nhắc đến là mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" được thành lập và duy trì hiệu quả với 70 tổ cùng gần 700 thành viên. Đây là lực lượng nòng cốt làm cầu nối truyền tải các thông tin, kiến thức về bình đẳng giới, xóa bỏ các định kiến giới và các tập tục văn hóa có hại như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh đẻ tại nhà, cũng như phòng chống bạo lực gia đình.

Mô hình này không chỉ hoạt động theo cách truyền thống tại cộng đồng bằng tiếng dân tộc và tiếng phổ thông, mà còn linh hoạt kết hợp truyền thông lưu động, hội thi, giao lưu văn hóa và lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng số và truyền thông đại chúng.

Các câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã nâng cao nhận thức cho các em học sinh về bình đẳng giới

Các câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã nâng cao nhận thức cho các em học sinh về bình đẳng giới

Hiệu quả của "Tổ truyền thông cộng đồng" thể hiện qua sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của hội viên, phụ nữ và người dân về các vấn đề xã hội cấp thiết, góp phần đẩy lùi những tập tục lạc hậu, bảo vệ sức khỏe sinh sản và an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Đây cũng là bước đệm quan trọng để tạo nên sự đồng thuận trong cộng đồng, giúp các hoạt động khác của dự án dễ dàng tiếp cận và phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, mô hình "Địa chỉ tin cậy" cũng ghi nhận thành công khi vượt 137% chỉ tiêu với 11 mô hình và 82 thành viên. Đây là điểm tựa quan trọng giúp hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, đặc biệt là các dạng bạo lực khó nhìn thấy như bạo lực tinh thần, tình dục, kinh tế. Việc tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở về kỹ năng phát hiện, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bạo lực được thực hiện bài bản và đồng đều, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực trong cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Một kết quả đáng chú ý khác là sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường thông qua các cuộc đối thoại chính sách tại cấp xã, thôn, bản. Tính đến nay, đã có 34 cuộc đối thoại với hơn 3.800 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia, vượt kế hoạch đề ra. Đây là kênh trao đổi trực tiếp giúp tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe, góp ý vào các chính sách phát triển địa phương, thúc đẩy sự minh bạch và công bằng trong quá trình ra quyết định.

Tổ chức truyền thông về bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Tổ chức truyền thông về bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Đặc biệt, mô hình câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" dành cho trẻ em dân tộc thiểu số được phát triển mạnh mẽ với 15 câu lạc bộ và hơn 450 thành viên. Mô hình này không chỉ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em mà còn trang bị kỹ năng sống cần thiết, giúp các em tự tin, chủ động hơn trong cuộc sống và học tập, từ đó góp phần xây dựng thế hệ tương lai phát triển toàn diện.

Những kết quả nổi bật đó phản ánh sự thay đổi sâu sắc về nhận thức, văn hóa và thực tiễn cuộc sống của cộng đồng dân tộc thiểu số tại Phú Yên. Qua mô hình truyền thông và hỗ trợ "Tổ truyền thông cộng đồng" cùng "Địa chỉ tin cậy", nhiều tập tục lạc hậu đang từng bước bị xóa bỏ, bạo lực gia đình được hạn chế đáng kể, và phụ nữ đã có điều kiện tốt hơn để phát huy vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội. Các cuộc đối thoại chính sách và câu lạc bộ dành cho trẻ em cũng tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển lâu dài, thúc đẩy bình đẳng giới từ gốc rễ cộng đồng.

Dự án 8 tại Phú Yên thể hiện sự nỗ lực của các cấp Hội và chính quyền trong việc xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, nơi mọi phụ nữ, trẻ em dù ở vùng sâu vùng xa đều được sống trong môi trường an toàn, bình đẳng và phát triển toàn diện.

N.Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-yen-70-to-truyen-thong-cong-dong-gop-phan-xoa-bo-dinh-kien-gioi-va-cac-tap-tuc-van-hoa-co-hai-20250520170917844.htm