Phú Yên: Đồng bộ giải pháp giảm rác thải nhựa, chú trọng bảo vệ môi trường biển

Là một trong những địa phương ven biển tiên phong tham gia các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa từ năm 2018, tỉnh Phú Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương.

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương và sự hỗ trợ tích cực từ các đối tác quốc tế, điển hình là Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương (gọi tắt là Dự án, được chủ trì bởi Cục biển và Hải đảo, thực hiện bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, WWF-Việt Nam), công tác bảo vệ môi trường tại Phú Yên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 Người dân phường 7, TP. Tuy Hòa đã tự giác thực hiện phân loại rác đúng theo quy định. Ảnh: WWF Việt Nam

Người dân phường 7, TP. Tuy Hòa đã tự giác thực hiện phân loại rác đúng theo quy định. Ảnh: WWF Việt Nam

Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước

Ngay từ tháng 12.2020, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch hành động số 2179/QĐ-UBND về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đặt nền móng pháp lý quan trọng cho các hoạt động trên toàn tỉnh. Kế hoạch tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính: tuyên truyền nâng cao nhận thức; thu gom, phân loại, xử lý, tái chế; kiểm soát ô nhiễm; hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học; và xây dựng cơ chế quản lý đồng bộ.

Hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch hành động tổng thể, Sở Nông nghiệp và Môi trường đều chủ trì, phối hợp với Dự án xây dựng và triển khai các kế hoạch chi tiết, đồng thời tổ chức đánh giá, tổng kết và tham vấn định hướng cho năm tiếp theo, thể hiện sự chỉ đạo xuyên suốt và bài bản. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng các đề án quản lý chuyên sâu như Đề án Quản lý chất thải rắn cho TP. Tuy Hòa và nghiên cứu lộ trình giảm túi nilon tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Tập trung giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ nguồn biển

Xác định hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản là một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn, Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Mô hình "Vận động ngư dân mang rác về bờ" được triển khai trên quy mô toàn tỉnh từ năm 2024, tập trung vào các tàu cá trên 15m.

 Đoàn viên, thanh niên tỉnh Phú Yên tham gia dọn rác khu vực biển Hòn Yến. Ảnh: WWF Việt Nam

Đoàn viên, thanh niên tỉnh Phú Yên tham gia dọn rác khu vực biển Hòn Yến. Ảnh: WWF Việt Nam

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan, đến cuối năm 2024, đã có 434/493 tàu (đạt 88%) ký cam kết và thực hiện, thu gom trên 5,3 tấn rác từ biển về bờ. Các hoạt động hỗ trợ như tập huấn nòng cốt, cung cấp trên 3.000 túi lưới và tờ rơi tiếp tục được duy trì. Tại các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm như Vũng Rô (Đông Hòa) và Sông Cầu, các kế hoạch can thiệp tổng thể đã được xây dựng và thực hiện.

Tại Vũng Rô, hơn 373 chủ lồng bè đã được vận động đưa rác về bờ, kết hợp các đợt ra quân quy mô lớn thu gom hàng chục tấn rác thải tồn lưu và hỗ trợ trang thiết bị (túi lưới, bảng nội quy).

Tại Sông Cầu, Dự án hỗ trợ địa phương triển khai phương án quản lý chất thải rắn từ nuôi trồng thủy sản (từ tháng 4.2025), bao gồm việc cung cấp 56 xe đẩy tay, tờ rơi, tổ chức tập huấn và các chiến dịch làm sạch điểm nóng.

Thúc đẩy tái chế, cải thiện hạ tầng

Công tác phân loại rác tại nguồn và xử lý rác hữu cơ được triển khai thí điểm hiệu quả. Mô hình phân loại rác tại chợ Phường 7 (TP. Tuy Hòa) với sự tham gia của trên 500 tiểu thương và hộ dân, đã thu gom và xử lý khoảng 250kg rác hữu cơ/ngày thành phân compost tại Bãi chôn lấp Thọ Vức, cung cấp kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Bên cạnh đó, các mô hình ủ compost quy mô hộ gia đình (Phường 7) và cộng đồng (Phú Hòa) cũng được hỗ trợ triển khai. Đặc biệt, sáng kiến ép lá bàng biển thành đồ dùng thay thế nhựa dùng một lần (Tuyến mo cau) đã được hỗ trợ phát triển, sản xuất hàng nghìn sản phẩm và tạo sinh kế cho người dân.

 Điểm trung chuyển rác tạm xã An Mỹ sau khi được cải tạo mở rộng. Ảnh:WWF Việt Nam

Điểm trung chuyển rác tạm xã An Mỹ sau khi được cải tạo mở rộng. Ảnh:WWF Việt Nam

Nhiều điểm nóng về rác thải, đặc biệt tại các khu vực ven biển như Hòn Yến, Vũng Rô, An Hòa Hải, Sông Cầu đã được xác định và tổ chức các đợt ra quân thu gom quy mô lớn với sự tham gia của cộng đồng và lực lượng vũ trang, xử lý hàng chục tấn rác thải tồn đọng. Các điểm tập kết rác tại An Mỹ (Tuy An) và Xuân Hải (Sông Cầu) cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp, bảo đảm vệ sinh và mỹ quan. Việc hỗ trợ trang thiết bị thu gom (thùng rác) cho các khu cách ly trong giai đoạn dịch Covid-19 cũng thể hiện sự linh hoạt và trách nhiệm của địa phương và Dự án.

 Vận động và thu gom rác hữu cơ tại chợ ở Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: WWF Việt Nam

Vận động và thu gom rác hữu cơ tại chợ ở Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: WWF Việt Nam

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện sâu rộng, đa dạng. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đóng vai trò nòng cốt trong truyền thông trực tiếp, lồng ghép nội dung giảm nhựa vào các hoạt động, tổ chức các sự kiện ý nghĩa như "Ngày hội Hòn Yến Xanh", "Hội chợ xanh - OCOP", hỗ trợ các sáng kiến phụ nữ về môi trường.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã ban hành Kế hoạch "Trường học, lớp học không rác - xanh - sạch - đẹp - an toàn" giai đoạn 2023 - 2025, tổ chức tập huấn lồng ghép nội dung giảm nhựa vào bài giảng cho hơn 150 giáo viên, và tham vấn xây dựng quy định giảm đồ nhựa dùng một lần trong trường học, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thay đổi nhận thức từ thế hệ trẻ.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, các giải pháp đồng bộ và sự tham gia tích cực của cộng đồng, tỉnh Phú Yên đang từng bước giải quyết hiệu quả bài toán rác thải nhựa, đặc biệt tại các khu vực ven biển, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đ. Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phu-yen-dong-bo-giai-phap-giam-rac-thai-nhua-chu-trong-bao-ve-moi-truong-bien-post411163.html