Phú Yên: Giảm chất lượng cá ngừ do khai thác trên biển dài ngày
Tại các tỉnh Nam Trung bộ, mỗi năm khai thác từ 20.000 đến 35.000 tấn cá ngừ đại dương. Sản lượng này đã đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này, đạt hơn 1 tỷ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do ngư dân phải kéo dài thời gian khai thác trên biển, dẫn đến chất lượng cá ngừ giảm sút và giá cá cũng giảm theo.
Thời gian gần đây, vào thời điểm giá xăng tăng, nhiều tàu cá đã chọn cách khai thác dài ngày để tiết kiệm chi phí. Hai con cá ngừ đại dương nặng hơn 40kg mỗi con được ngư dân đưa về cảng cá Đông Tác. Sản lượng khai thác vốn đã thấp nhưng thương lái mua 2 con cá này với giá chỉ 50.000 đồng/kg, bằng một nửa so với cá loại 1.
Một chuyến khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân Nam Trung bộ thường kéo dài 20 ngày. Nhưng thời gian gần đây, để giảm chi phí chuyến biển, thời gian ngư dân ở lại trên biển dài gấp đôi, khoảng 2 tháng. Cách làm này giúp ngư dân giảm phí tổn khoảng 40 triệu đồng/chuyến nhưng ngược lại, ảnh hưởng đến chất lượng cá.
Bởi, theo các chuyên gia thủy sản, phần lớn ngư dân ở Nam Trung bộ bảo quản cá sau khai thác theo cách ướp lạnh cá bằng đá xay nhỏ. Cách bảo quản này chỉ giữ cá trong thời gian không quá 10 ngày. Ngư dân cũng hiểu điều này nhưng không có lựa chọn nào khác vì việc nâng cấp trang thiết bị mới để bảo quản sản phẩm ảnh hưởng đến việc cân đối nguồn tài chính của họ.
Theo thống kê, bình quân mỗi chuyến biển, sản lượng thủy sản bị thương lái đẩy xuống loại 2, loại 3 chiếm khoảng 30% trong tổng sản lượng khai thác trong mỗi chuyến biển của ngư dân. Chất lượng cá giảm thì thu nhập của ngư dân sẽ giảm. Vì vậy, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng: Trong điều kiện chưa có công nghệ mới bảo quản cá thì ngư dân cần phải tính toán phương án khai thác hợp lý để khai thác hiệu quả, không ảnh hưởng chất lượng cá ngừ đại dương.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!
Thực hiện : Bảo Lâm