Phù Yên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Phù Yên là huyện có đông bào dân tộc Mường sinh sống, chiếm 43% dân số toàn huyện, với nhiều nét văn hóa đặc trưng, cấp ủy, chính quyền huyện Phù Yên luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường.

Các thành viên CLB Đang Mường xã Mường Thải, huyện Phù Yên.

Các thành viên CLB Đang Mường xã Mường Thải, huyện Phù Yên.

Đến xã Mường Thải, vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Mường. Bảo tồn, lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, năm 2016, xã đã thành lập CLB Đang Mường. Đang Mường được hình thành, lưu giữ, bảo tồn và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Mỗi lời đang đều chứa đựng những nét giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc lâu đời của đồng bào.

Bà Triệu Thị Phai, phụ trách CLB Đang Mường, xã Mường Thải, chia sẻ: Hiện nay, CLB có 40 thành viên, người cao tuổi nhất hơn 60 tuổi, người ít nhất là 10 tuổi. Mặc dù có nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng tất cả các thành viên đều có chung một niềm đam mê đối với làn điệu đang Mường. Sau vụ sản xuất, các thành viên có thời gian sưu tầm, dàn dựng, khôi phục lại các làn điệu dân ca cổ, tổ chức biểu diễn vào dịp lễ, tết, ngày cưới, lên nhà mới của người dân trong bản.

Em Hà Gia Phúc, sinh năm 2013, thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB Đang Mường, xã Mường Thải, chia sẻ: Từ nhỏ, em đã được nghe những làn điệu đang Mường nên rất thích học. Tham gia CLB, em được các ông, các bà truyền dạy các làn điệu đang Mường, bây giờ em đã có thể múa được những làn điệu cơ bản, hát được những bài hát đơn giản để giao lưu, biểu diễn cùng các thành viên trong CLB.

Tái hiện điệu múa truyền thống của dân tộc Mường tại Lễ hội Mợi của dân tộc Mường.

Tái hiện điệu múa truyền thống của dân tộc Mường tại Lễ hội Mợi của dân tộc Mường.

Còn tại xã Huy Tân, những năm gần đây, bà con dân tộc Mường được hỗ trợ phục dựng lễ hội Mợi vào dịp đầu xuân; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh lành mạnh của nhân dân. Lễ hội Mợi gồm phần lễ và phần hội, được tổ chức đan xen nhau; trong lễ hội có 4 điệu múa cơ bản, các động tác đều phản ánh cuộc sống lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân, gồm: Múa vui hội xuân (múa bông); khăn Mợi truyền thống; ném còn - tung yến ngày xuân, phát nương; trồng bông, dệt vải.

Bà Đinh Thị Iêm, thành viên đội văn nghệ bản Cù 2, xã Huy Tân, thông tin: Đội văn nghệ bản đã thường xuyên tập luyện, khuyến khích các hạt nhân văn nghệ biểu diễn các tiết mục múa Mợi mang đậm bản sắc dân tộc trong các buổi giao lưu văn nghệ, các ngày hội văn hóa hay hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện. Bên cạnh đó, đội cũng tổ chức truyền dạy cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trong bản làm quen với nhạc cụ cổ truyền sử dụng trong lễ hội Mợi, như chiêng, trống, gõ ống tre, nứa theo nhịp..., qua đó, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình.

Những năm gần đây, huyện Phù Yên đã tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, gồm văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực và trang phục... Đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí đối với sự nghiệp văn hóa, thể thao, thông tin và hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Huy động toàn dân tham gia xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Duy trì hoạt động của 2 CLB đang Mường tại xã Tường Hạ và Mường Thải; phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức phục dựng Lễ hội Mợi tại các xã Huy Tân và Mường Thải; tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng trang phục dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày…

Một buổi sinh hoạt của CLB Đang Mường xã Mường Thải

Một buổi sinh hoạt của CLB Đang Mường xã Mường Thải

Bà Ninh Thị Tâm Bình, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện, cho biết: Phù Yên tạo điều kiện cho các nhà chuyên môn, tổ chức, cá nhân nghiên cứu bảo tồn, truyền dạy, giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc Mường; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa để đưa các giá trị văn hóa trở thành sản phẩm du lịch. Đồng thời, tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có công phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào dân tộc, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở, mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Huy Thành

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/phu-yen-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-muong-eKOOROgSg.html