Phú Yên kỷ niệm 410 năm hình thành, phát triển

Sáng 1-4, tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 410 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2021) và đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Gành Đá Đĩa.

Sáng 1-4, tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 410 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2021) và đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Gành Đá Đĩa.

Diễn văn tại lễ kỷ niệm do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trình bày, ôn lại lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Phú Yên 410 năm qua.

Vào cuối thế kỷ 16 (mùa Xuân năm 1597), những lưu dân người Việt đầu tiên từ vùng Thanh - Nghệ - Thuận - Quảng theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn, mở mang vùng đất trấn biên từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, sinh cơ lập nghiệp.

Với ý chí và sức mạnh từ sự đoàn kết, các thế hệ người Việt, người Chăm, người Ê Ðê, người Ba Na chung lòng cùng nhau lao động sản xuất, chiến đấu. Đầu thế kỷ 17, vùng đất này đã trở nên trù phú, xóm làng đông đúc là cơ sở để triều đình thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa vào năm 1611.

Trải qua các biến cố và thăng trầm của lịch sử, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã kiên cường bám trụ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh, viết tiếp trang sử vàng chói lọi bằng những chiến công hiển hách, lập nên biết bao kỳ tích anh hùng. Đó là phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh tháng 12-1960, mở đầu phong trào đồng khởi ở đồng bằng Khu 5; giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tháng 10-1961; tiếp nhận vũ khí từ hậu phương lớn miền bắc xã hội chủ nghĩa chi viện chiến trường miền nam bằng những con tàu không số tại Vũng Rô (1964 - 1965); chiến thắng Gò Thì Thùng năm 1966; Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, làm nên Chiến thắng Đường 5 lịch sử, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1-4-1975, cùng với quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Đã 46 năm kể từ sau ngày giải phóng, nhất là sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Phú Yên hôm nay đang từng ngày đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Kinh tế tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức khá, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm 7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Phú Yên đã hình thành Khu kinh tế Nam Phú Yên là cửa ngõ hướng biển của vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào cũng như Đông Bắc Campuchia và Thái Lan, trung tâm giao thương quốc tế lớn, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Kết cấu hạ tầng: hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, cấp, thoát nước… được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và phân bố rộng khắp; du lịch Phú Yên đã và đang trên đà phát triển, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh.

Các di tích, danh thắng như Tháp Nhạn, Gành Đá Đĩa, Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn, Hòn Yến, Vịnh Xuân Đài, Vũng Rô… đang là điểm đến mới và thu hút du khách trong hành trình du lịch qua dải đất miền trung.

Đến nay, Phú Yên hiện có 58/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai huyện nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của tỉnh đạt 52,9 triệu đồng gấp 1,6 lần năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,5%.

Tại Lễ kỷ niệm, tỉnh Phú Yên đã vinh dự đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Gành Đá Đĩa (ảnh trên).

Tọa lạc tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, danh thắng Gành Đá Đĩa là kiệt tác của thiên nhiên độc đáo “độc nhất vô nhị” ở nước ta.

Gành Đá Đĩa là khu vực có điều kiện địa chất mang tính đặc thù với loại đá bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa gặp các điều kiện thích hợp đã tạo thành đá dạng cột có mặt cắt hình ngũ giác, hình lục giác phân bố trên một diện tích tương đối rộng bên bờ biển rộng 50m, dài 200m.

Theo một số chuyên gia về địa chất, tại một số tỉnh miền trung và Tây Nguyên, một vài địa điểm cũng xuất lộ bazan dạng cột do quá trình hoạt động núi lửa như ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, bazan dạng cột ở những địa phương trên không có được vẻ đẹp độc đáo như ở Gành Đá Đĩa.

Bên cạnh giá trị về mặt địa chất, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, danh thắng Gành Đá Đĩa còn có giá trị về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven biển. Đó chính là những điều kiện quan trọng để du lịch Phú Yên phát triển một cách bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31-12-2020.

Trước đó, lãnh đạo và đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Yên đã đặt vòng hoa viếng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm Núi Nhạn tại thành phố Tuy Hòa.

TRÌNH KẾ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/phu-yen-ky-niem-410-nam-hinh-thanh-phat-trien-640508/