Phú Yên kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số vào bến
Ngày 28/11, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964–28/11/2024). Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu.
Tại lễ kỷ niệm, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41 với 12 lần chỉ huy Tàu Không số vận chuyển vũ khí chi viện vào miền nam và Thiếu tá Ngô Văn Định, nguyên chiến sĩ đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô - K60, Trưởng ban liên lạc bến Tàu Không số Vũng Rô đã ôn lại chiến công hào hùng của cán bộ chiến sĩ Tàu Không số; quân và dân Phú Yên trong chiến đấu bảo vệ tàu và bến, bốc dỡ hàng hóa an toàn...
Bến Vũng Rô gắn liền với con đường vận tải chiến lược - “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, cùng với “Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh” đã trở thành biểu tượng vinh quang của cả dân tộc, hiện thân của ý chí và khát vọng đấu tranh chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước.
Từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965, bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến tàu không số, chi viện gần 200 tấn vũ khí cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Nhờ đó, sức mạnh chiến đấu của quân và dân ta được nâng lên, lập nên nhiều chiến thắng vang dội, góp phần giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương nêu rõ:
"60 năm trôi qua từ ngày Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số vào Bến, gần 40 năm từ khi Đảng ta lãnh đạo tiến hành sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tỉnh Phú Yên, trong dòng chảy lịch sử của đất nước, đã tiếp nối, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quê hương, đoàn kết một lòng, ra sức thi đua xây dựng quê hương đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Sau 35 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh với những bộn bề khó khăn, kinh tế ở mức thấp sau tái lập... đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn của tỉnh luôn duy trì ở mức khá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Phú Yên đã hội tụ được nhiều yếu tố để sẵn sàng bứt phá, hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh nhanh và bền vững, như Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Và đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng. Là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, có bản sắc đặc trưng.
Kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số diễn ra vào thời điểm đất nước chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đến với Vũng Rô hôm nay, chúng ta không chỉ thấy một hình ảnh bến Vũng Rô hào hùng trong chiến đấu, mà còn là điểm đến du lịch văn hóa, du lịch lịch sử. Vũng Rô và khu vực xung quanh đang xúc tiến đầu tư để trở thành khu vực cảng biển sầm uất, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Yên và khu vực nam Trung Bộ; tạo tiền đề để Phú Yên cùng cả nước, tiếp tục mạnh lên về biển, làm giàu từ biển, góp phần không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn, tỉnh Phú Yên tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa ý chí, nghị lực phi thường, tinh thần đoàn kết, truyền thống cách mạng kiên cường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sức mạnh từ nhân dân, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, khai thác hiệu quả, sáng tạo nguồn lực nội sinh, tiềm năng hiện có để xây dựng và đưa Phú Yên phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Cùng với đó, Phú Yên cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, để mỗi người thêm yêu đất nước, yêu biển, đảo; phát huy ý nghĩa lịch sử của sự kiện, của đoàn Tàu Không số, của Đường Hồ Chí Minh trên biển để quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa của đất nước đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Phú Yên tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm đột phá, hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tạo nền tảng vững chắc để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì mục tiêu “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”, vững bước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển cho tỉnh Phú Yên.
Trong thời gian từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965 bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến tàu không số, chi viện gần 200 tấn vũ khí cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Từ sự chi viện này, tỉnh Phú Yên trang bị mới gần 3.000 khẩu súng các loại cho lực lượng du kích, đồng thời bảo đảm thuốc nổ cho Xưởng quân giới Phú Yên chế tạo các loại mìn, lựu đạn, thủ pháo phục vụ chiến đấu, lập nhiều chiến công vang dội; điển hình là Chiến thắng tại địa đạo Gò Thì Thùng năm 1966; góp phần vào thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến thắng lịch sử đường 5, cùng bộ đội chủ lực làm chủ Phú Yên ngày 1/4/1975 và cùng với quân, dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Trong những chiến công hiển hách ấy có sự hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công, cùng toàn thể lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng, của những người đã trực tiếp tham gia tại bến Vũng Rô những năm kháng chiến gian khổ và ác liệt, đặc biệt là sự chiến đấu anh dũng của các thủy thủ tàu cùng bộ đội, dân quân du kích, tạo nên trận Vũng Rô đầy bi tráng tháng 2/1965.
Như Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của những con tàu “không số”, của quân và dân các bến bãi làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
-----------------