Phú Yên nâng cao chất lượng tín dụng
Các TCTD trên địa bàn Phú Yên tiếp tục tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng trên địa bàn. Định hướng đến cuối năm 2025, dư nợ tín dụng ở Phú Yên dự kiến tăng trưởng khoảng 12 - 14% so với cuối năm 2024…
Nền kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên quý I/2025 mặc dù có sự ổn định và tăng trưởng tích cực trên nhiều lĩnh vực. Song, tăng trưởng kinh tế chưa đạt được mục tiêu theo kịch bản đề ra; hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thu hút đầu tư chưa có nhiều khởi sắc...
Trong bối cảnh đó, từ đầu năm, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Phú Yên đã nỗ lực đưa vốn vào nền kinh tế địa phương. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2025, tổng dư nợ tín dụng đạt 56.641 tỷ đồng, tăng 2,88% so với cuối năm 2024, đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong NHNN Khu vực 10, chiếm 12,48% tổng dư nợ tín dụng của khu vực. Chất lượng dư nợ trên địa bàn luôn được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,78%, thấp nhất so với các địa phương trong khu vực.
Tổng vốn huy động trên địa bàn đạt 47.790 tỷ đồng, tăng 6,17% so với cuối năm 2024, đạt tốc độ tăng trưởng huy động vốn cao nhất trong Khu vực 10, chiếm 12,13% tổng huy động vốn của Khu vực 10.
Tín dụng trên địa bàn Phú Yên tiếp tục tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, cùng các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Phú Yên cao nhất trong NHNN Khu vực 10
Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 22.271 tỷ đồng, chiếm 39,32% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 7.924 tỷ đồng, chiếm 13,99% tổng dư nợ. Dư nợ chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản: tính đến ngày 31/3/2025, doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 1.070 tỷ đồng với 121 lượt khách hàng, dư nợ cho vay hơn 215 tỷ đồng...
Đặc biệt, các TCTD trên địa bàn còn chủ động tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ trực tiếp khách hàng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Các chi nhánh TCTD trên địa bàn cũng đã đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Trong quý I/2025, các TCTD địa phương đã tổ chức 26 buổi ký kết, đối thoại. 7 TCTD đã tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với tổng dư nợ cho vay là 248,47 tỷ đồng; lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4,4% - 7,3%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 7,2% - 11%/năm.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động ngân hàng được thực hiện hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Ngành ngân hàng cũng triển khai ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân; tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06. Trong quý I/2025, tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch đạt 143.174 tỷ đồng với 20.447.341 lượt giao dịch, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo ông Hoàng Linh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực 10, thời gian tới, NHNN Khu vực 10 sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của NHNN về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên để triển khai đến các TCTD. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng trên địa bàn. Định hướng đến cuối năm 2025, dư nợ tín dụng ở Phú Yên dự kiến tăng trưởng khoảng 12 - 14% so với cuối năm 2024.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phu-yen-nang-cao-chat-luong-tin-dung-164213.html