Luật hóa các quy định từ Nghị quyết 42: Phao cứu sinh cho nợ xấu?

Luật hóa các quy định từ Nghị quyết 42 và trao thêm thẩm quyền đặc biệt cho Ngân hàng Nhà nước là hai điểm đột phá trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Ngày 15-5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố một số thông tin về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Luật hóa Nghị quyết 42: Từ thí điểm đến khuôn khổ bền vững

Năm 2017, hệ thống ngân hàng Việt Nam đối mặt với áp lực không nhỏ từ gánh nặng nợ xấu. Thời điểm đó, tổng tỉ lệ nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu nội bảng và khoản đã chuyển giao cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), cùng với các khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu, đã lên tới mức đáng báo động là 10,08% tổng dư nợ cho vay.

Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từng được ví như một “liều thuốc đặc trị” giúp các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để mạnh tay xử lý các khoản nợ tồn đọng kéo dài.

Tuy nhiên, với tính chất thí điểm và hiệu lực có thời hạn, Nghị quyết 42 dù tạo ra những chuyển biến ban đầu nhưng chưa thể trở thành nền tảng pháp lý vững chắc cho xử lý nợ xấu trong dài hạn. Điều này khiến nhiều tổ chức tín dụng, công ty xử lý nợ vẫn e ngại khi triển khai thu hồi tài sản bảo đảm vì thiếu sự hậu thuẫn đầy đủ từ luật.

 Điểm mới gây chú ý trong Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là việc chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt từ Thủ tướng Chính phủ sang NHNN. Ảnh minh họa

Điểm mới gây chú ý trong Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là việc chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt từ Thủ tướng Chính phủ sang NHNN. Ảnh minh họa

Do đó, theo Ngân hàng Nhà nước, Dự thảo sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng lần này chính là bước đi quan trọng để luật hóa các quy định đã phát huy hiệu quả khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, chuyển từ giải pháp tình thế sang khung pháp lý mang tính nền tảng và lâu dài.

Trong đó, dự thảo bổ sung các điểm mới đáng chú ý bao gồm: Ghi nhận rõ ràng quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng; cho phép kê biên tài sản bảo đảm dù đang là vật chứng trong vụ án; bổ sung quy định hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật hành chính hoặc hình sự khi không còn nhu cầu xử lý.

Những quy định này nếu được luật hóa không chỉ giúp tăng hiệu lực pháp lý mà còn xóa bỏ tâm lý e ngại của các bên liên quan khi triển khai xử lý tài sản đảm bảo – một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ thu hồi nợ thấp thời gian qua.

Trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước

Một điểm đáng chú ý nữa trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật các Tổ chức tín dụng lần này chính là việc chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt (với lãi suất 0%/năm và không yêu cầu tài sản bảo đảm) từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Việc giao trực tiếp quyền quyết định cho Thống đốc NHNN sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý, phù hợp với tinh thần tăng cường vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong hệ thống hành pháp.

Đồng thời quy định này giúp bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời và khả thi trong công tác hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn thanh khoản hoặc cần can thiệp khẩn cấp để bảo vệ hệ thống.

Đây không chỉ là sự điều chỉnh về mặt thủ tục hành chính mà còn là bước tiến quan trọng trong phân cấp – phân quyền, nhằm nâng cao khả năng phản ứng chính sách trong bối cảnh hệ thống tài chính – ngân hàng đang đứng trước nhiều thách thức về nợ xấu và nguy cơ đổ vỡ cục bộ ở các tổ chức tín dụng yếu kém.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng dự kiến sẽ được báo cáo Quốc hội trong tuần tới tại Kỳ họp thứ 9.

Nếu được thông qua, đây không chỉ là một bước đi pháp lý giúp tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng mà còn là bước đệm phù hợp với mục tiêu tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021–2025.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-hoa-cac-quy-dinh-tu-nghi-quyet-42-phao-cuu-sinh-cho-no-xau-post849899.html