Phù Yên thực hiện tốt nội dung cam kết '5 có, 5 không'

Huyện Phù Yên có 27 xã, thị trấn, gồm 10 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 15,47%, sinh sống ở 43 bản, thuộc 13 xã trong huyện. Từ năm 2012 đến nay, thực hiện tốt nội dung bản cam kết '5 có, 5 không', đời sống của đồng bào dân tộc Mông trong huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn vùng cao từng bước đổi thay.

Xã Kim Bon (Phù Yên) tổ chức

Xã Kim Bon (Phù Yên) tổ chức

Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện bản cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông.

Để nội dung bản cam kết đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Yên đã phân công các đồng chí cấp ủy phụ trách các xã, chỉ đạo, hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện tại các bản; chỉ đạo các xã có đồng bào dân tộc Mông tăng cường tuyên truyền nội dung bản cam kết cho người dân hiểu rõ lợi ích của từng nội dung và đưa nội dung “5 có, 5 không” vào quy ước của các bản để bà con cùng thực hiện. Đặc biệt, vai trò gương mẫu của bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng các dòng họ, người có uy tín đã được phát huy cao độ trong thực hiện và tuyên truyền, vận động bà con làm theo.

Trong quá trình thực hiện, các xã có đồng bào dân tộc Mông đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa... nhờ đó, hạn chế được tình trạng du canh du cư tự do, phá rừng làm nương; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được đồng bào dân tộc Mông ở các xã trong huyện học và làm theo, mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong đó, bà con xã Kim Bon chuyển đổi hơn 20 ha trồng ngô, sắn sang trồng cây chanh leo cho thu nhập 80 triệu đồng/ha/năm; mô hình hơn 10 ha trồng chuối hàng hóa ở xã Suối Bau thu nhập 160 triệu đồng/ha/năm; nhiều người dân ở xã Suối Tọ phát triển trồng cây sơn tra, măng sặt làm hàng hóa... đem lại nguồn thu nhập đáng kể.

Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, các Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đã hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông, trạm y tế, nhà văn hóa các xã, bản đặc biệt khó khăn... làm thay đổi căn bản điều kiện sống của vùng đồng bào dân tộc Mông. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống giảm trung bình từ 4-5%/năm; hệ thống trường học được xây dựng kiên cố; 100% số xã có trạm y tế và tủ thuốc theo quy định. Tình trạng du canh, du cư, vượt biên trái phép, truyền và học đạo trái phép, tái trồng cây thuốc phiện, các hủ tục lạc hậu, như thách cưới, để người chết lâu ngày trong nhà, tảo hôn... từng bước được xóa bỏ; bà con đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Cùng với sự nỗ lực của người dân, các chính sách hỗ trợ con em hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, chế độ phụ cấp cho giáo viên, học sinh, góp phần tăng tỷ lệ học sinh đến trường; nhiều em đã và đang theo học các trường cao đẳng, đại học, các trường dạy nghề...

Thời gian tới, huyện Phù Yên tiếp tục gắn thực hiện nội dung bản cam kết “5 có, 5 không” với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dòng họ dân tộc Mông; đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc Mông, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Lò Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phu-yen-thuc-hien-tot-noi-dung-cam-ket-5-co-5-khong-25894