Phục dựng các lễ hội truyền thống
Các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là nghi lễ của đồng bào các dân tộc, có ý nghĩa cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu mùa, mong muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Nhưng do tác động của nhiều yếu tố, một số lễ hội đang dần mai một và đứng trước nguy cơ lãng quên. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào, các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh tăng cường phục dựng các lễ hội truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh đang duy trì các lễ hội dân gian truyền thống, như: Đua thuyền truyền thống của dân tộc Thái, huyện Quỳnh Nhai; lễ hội mùa Hoa Ban của Thành phố và huyện Vân Hồ. Ngoài ra, còn có lễ hội cầu mưa (xó phốn), lễ hội Hết chá (chá nó) của dân tộc Thái và lễ hội Cầu mùa của dân tộc Mông, huyện Mộc Châu; lễ hội Mợi của dân tộc Mường, huyện Phù Yên; lễ hội Cầu mùa của dân tộc Khơ Mú và Xên mường của dân tộc Lào...
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành đã phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền để nhân dân cùng tham gia trao truyền, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của lễ hội. Đồng thời, tích cực phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo được hiệu ứng tích cực trong việc chung tay giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Tháng 10 vừa qua, tại bản Kẽm, xã Mường Lang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Phù Yên tổ chức trình diễn, tái hiện, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Mợi. Lễ hội được tái hiện sau khi thầy Mợi tiến hành phần lễ, nhân dân sẽ múa Mợi và các trò diễn, như trọc lỗ tra hạt, trâu đi cày, gieo hạt, gặt lúa, khỉ đu dây... mong mọi người khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, no ấm; gìn giữ, phát triển bản làng.
Ông Hà Văn Tươi, Chủ tịch UBND xã Mường Lang, cho biết: Trước đây, lễ hội Mợi được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp tết. Chúng tôi mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương tổ chức lễ hội để bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mường. Đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội hướng đến tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng để du khách thập phương trải nghiệm.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các lễ hội truyền thống có quy mô từ cấp xã trở lên được các địa phương đẩy mạnh. Đối với các lễ hội gắn với di tích lịch sử văn hóa, phần lễ diễn ra trang trọng, đúng với lịch sử của di tích. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động, tạo không khí sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Điển hình như lễ hội Khẩu hó, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp; lễ hội Mừng cơm mới, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã và xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; lễ hội Trên quê hương vợ chồng A Phủ, xã Hồng Ngài và lễ hội mùa vàng xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên...
Việc phục dựng các lễ hội góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số và hướng tới phát triển du lịch cộng đồng. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội. Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và lập hồ sơ di sản các lễ nghi, lễ hội trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách tham quan, góp phần quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.