Phục dựng di ảnh màu cho người hy sinh trong kháng chiến

Tri ân những văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh, nhóm họa sĩ trẻ của Tổ chức 'Trái tim người lính Việt Nam' đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phục dựng màu cho các di ảnh thờ và ảnh tư liệu đen trắng.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng đại diện các gia đình liệt sỹ, người có công trong kháng chiến tiếp nhận các bức ảnh được phục dựng từ nhóm nghệ sỹ trẻ "Trái tim người lính".

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng đại diện các gia đình liệt sỹ, người có công trong kháng chiến tiếp nhận các bức ảnh được phục dựng từ nhóm nghệ sỹ trẻ "Trái tim người lính".

Ngày 22/4, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức giới thiệu tác phẩm “Phượng” của tác giả Phạm Kiều Phượng và Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến.

Theo Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người khởi xướng chương trình: Do điều kiện thời chiến nên nhiều văn nghệ sĩ, trí thức khi hy sinh đã không để lại di ảnh thờ hoặc chỉ có những bức ảnh đen trắng, chất lượng rất hạn chế. Nhằm góp phần tri ân những văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh hoặc có công trong chiến tranh, bằng sự đam mê và rất nhiều công sức, nhóm họa sĩ trẻ của Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phục dựng màu cho các di ảnh thờ và ảnh tư liệu đen trắng.

Hàng trăm chân dung di ảnh thờ đen trắng của các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến, đã được phục dựng màu miễn phí trong chương trình.

Tại buổi lễ, giới thiệu về một trong những di ảnh được phục dựng rất thành công về liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: "Hy sinh năm 1969, ở độ tuổi 28 thanh xuân phơi phới, nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cùng tấm gương ngời sáng của một nhà văn-người chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hiện nay, những bức ảnh về chị đa phần đều là ảnh tư liệu, đen trắng, đã mờ nhòe bởi thời gian. Bằng rất nhiều công sức, họa sĩ đã phục dựng lại chân dung chị rất gần gũi, với màu da, làn môi, từng sợi tóc,... sống động".

Nhà văn Đặng Vương Hưng và nhóm họa sĩ trẻ "Trái tim người lính" bên những bức ảnh được phục dựng màu.

Nhà văn Đặng Vương Hưng và nhóm họa sĩ trẻ "Trái tim người lính" bên những bức ảnh được phục dựng màu.

Kể từ tháng 3/2024, một số chân dung trong số đó, đã được giới thiệu trên diễn đàn “Trái tim người lính” của mạng xã hội Facebook, cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển và đã nhận đươc phản hồi rất tích cực của dư luận xã hội. Bước đầu, chương trình đã giới thiệu và trưng bày hơn 30 di ảnh của một số văn nghệ sĩ và trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến, vừa được phục dựng màu, đã được phóng cỡ ảnh 60cm x 80cm.

Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến, sẽ được nhóm họa sĩ trẻ của “Trái tim người lính” triển khai thực hiện trên toàn quốc và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, bằng kinh phí xã hội hóa. Dự kiến, các di ảnh được phục dựng màu sẽ được công khai giới thiệu trong các sự kiện văn hóa do “Trái tim người lính” phối hợp với các cơ quan đơn vị tổ chức tại nhiều vùng miền trên cả nước.

Nhà văn Đặng Vương Hưng bày tỏ mong muốn, chương trình rất mong nhận được sự chung tay, góp sức, ủng hộ của cộng đồng và xã hội. Đặc biệt là, việc cung cấp tư liệu di ảnh đen trắng và tóm tắt công lao, sự nghiệp của người đã mất. Các họa sĩ và bạn đọc có khả năng phục dựng màu cho di ảnh đen trắng, muốn cộng tác với chương trình nhân văn và ý nghĩa nêu trên, có thể liên hệ với tổ chức “Trái tim người lính”.

Nhân dịp này, Ban tổ chức giới thiệu cuốn tự truyện “Phượng” của tác giả Phạm Kiều Phượng, do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Sách dày 236 trang, kể về hơn 80 năm cuộc đời của một phụ nữ, đã đi qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ bao cấp và đổi mới.

Bà Phạm Kiều Phượng -Tác giả cuốn sách "Phượng" trao tặng 1.000 cuốn sách cho Chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Bà Phạm Kiều Phượng -Tác giả cuốn sách "Phượng" trao tặng 1.000 cuốn sách cho Chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Tác giả Phạm Kiều Phượng sinh năm 1943 tại thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; có cha là liệt sĩ, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp; mẹ tham gia hoạt động Việt Minh, từng bị Pháp bắt giam tại Hỏa Lò; chồng là cựu chiến binh Phòng không - Không quân trong kháng chiến chống Mỹ; và bà nội được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhân dịp này, tác giả Phạm Kiều Phượng đã trao toàn bộ bản in tác phẩm “Phượng” lần đầu cho Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” để gửi tặng các tủ sách trên cả nước.

ĐVH/tuhao.vn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/nguoi-tot-viec-tot/phuc-dung-di-anh-mau-cho-nguoi-hy-sinh-trong-khang-chien-1983105.html