Huế - vùng đất cố đô mang đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc, luôn thu hút đông đảo du khách ghé thăm.
Đại Nội Huế là một phần trong quần thể di tích Cố đô Huế, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc của triều đại nhà Nguyễn, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Toàn cảnh Đại Nội Huế còn lưu giữ nhiều dấu ấn đặc sắc của triều đình nhà Nguyễn hàng trăm năm.
Đại Nội Huế có hai khu vực chính là Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Hoàng Thành là nơi vua thiết triều và làm việc, bao gồm Cổng Ngọ Môn và Điện Thái Hòa.
Đến tham quan Đại Nội, ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và đồ sộ của Hoàng thành Huế, du khách còn được chứng kiến buổi lễ đổi gác độc đáo.
Đây là một trong những nghi lễ cung đình xưa được phục dựng nhằm làm phong phú các hoạt động phục vụ du lịch tại khu di sản Cố Đô Huế.
Dưới triều Nguyễn, trong Kinh thành luôn có hai lực lượng quân lính làm nhiệm vụ canh gác và tuần tra.
Đến giờ, các tốp lính sẽ tiến hành nghi lễ đổi gác, thay phiên nhau hoàn thành nhiệm vụ trong ngày.
Theo cuốn Khâm đinh Đại Nam Hội điển Sự lệ, dưới triều Nguyễn việc canh gác và thay phiên nhau của lính được quy định chặt chẽ: “Phàm lính túc vệ ở cung cấm và lính thủ vệ ở các cửa Tử cấm thành, Hoàng thành, đến phiên canh mà không canh gác (người đã hết phiên canh rồi) tự tiện thay thế cho mình cả người đi thay thế ấy, đều phải phạt 60 trượng. Đem người không phải là lính túc vệ , thủ vệ mạo danh mình tự tiện thay thế với nhau, cả người đi thay thế ấy, đều phải phạt 100 trượng. Nếu là quan viên, đều phải gia nặng lên một bậc..."
Nghi lễ này được diễn ra đều đặn vào lúc 8h30 sáng hàng ngày tại Ngọ Môn.
Việc phục dựng Lễ đổi gác giúp du khách hiểu biết thêm những nét văn hóa cung đình triều Nguyễn.
Chị Phương Anh đến từ Hà Nội vui vẻ cho biết "Đây là lần đầu tiên các bé nhà mình được xem nghi lễ đổi gác của các lính canh thời nhà Nguyễn nên rất thích. May mà đoàn mình vừa đến kịp đề xem, còn được chụp hình nữa".
Hoạt động mang đậm màu sắc chốn cung đình diễn ra tại Ngọ Môn được du khách trong và ngoài nước thích thú đón nhận.
Ngoài việc giúp du khách hiểu thêm về các hoạt động trong cung cấm của triều Nguyễn, việc phục dựng nghi lễ đổi gác còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của di sản Huế.
Mời độc giả xem thêm video Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa (Nguồn: VTV Travel):
Bình Minh