Lễ hội Khăm bản của người Lào thường được tổ chức vào các ngày từ 13-16/4 hàng năm (theo Phật lịch). Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, lễ hội này đang dần bị mai một.
Mới đây, bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã tổ chức phục dựng lại lễ hội truyền thống này
Pa Xa Lào có 54 hộ với gần 260 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Lào sinh sống. Đây cũng là bản duy nhất ở Pa Thơm có cộng đồng dân tộc Lào sinh sống
Lễ hội Khăm bản được tổ chức với ý nghĩa tỏ lòng thành kính đối với ông, bà, tổ tiên, thần sông, thần suối, thần rừng, thần nương rẫy... và những người lập ra bản mường
Đồng thời, cầu cho một năm mới may mắn, nhiều tài lộc, mùa màng bội thu; trâu, bò đầy sân; lợn, gà đầy chuồng; con người không ai ốm đau, bệnh trọng, mọi người trong bản đều được bình an, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Lễ Khăm bản gồm có 2 phần lễ và hội. Trong đó, phần lễ có các nội dung: báo cáo thần linh, người khai phá vùng đất, tổ tiên người Lào ở Pa Xa Lào...
Sau phần lễ là các hoạt động của phần hội. Đông đảo người dân và du khách sẽ cùng tham gia các hoạt động như vui té nước, múa lăm vông - điệu múa đặc trưng của dân tộc Lào.
Buộc chỉ cổ tay cầu chúc may mắn - nghi lễ không thể thiếu trong Lễ Khăm bản của người Lào ở Điện Biên
Đồng bào Lào quan niệm, quá trình tham gia các hoạt động, mọi người vô tình chạm vào đầu, tai, chân, tay nhau... có thể làm linh hồn ngự trị trên các bộ phận đó đi lạc, quên quay về, khiến gia chủ ốm đau, bệnh tật.
Vì vậy ông mo, bà mo và những người cao tuổi sẽ buộc chỉ vào cổ tay cho tất cả mọi người, như lời kêu gọi các hồn về trú ngụ đúng chỗ.
Sau nghi thức buộc chỉ cổ tay, người dân trong bản sẽ mang lễ vật ra khu vực suối để dâng tế, cúng mời thần suối hưởng lễ. Trên suốt đường đi, người dân bắt đầu nghi thức té nước để cầu chúc may mắn....
Sau đó, tất cả mọi người sẽ cùng lội xuống sông tắm, té nước vào nhau để cầu chúc những điều tốt đẹp. Đồng bào ở đây quan niệm ai càng ướt nhiều sẽ càng gặp nhiều may mắn...
Bà Vì Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: Năm nay là năm đầu tiên Lễ Khăm bản được phục dựng lại. Do đó, một số nghi thức, hoạt động tạm thời chưa được thực hiện. Dự kiến năm 2025, Lễ hội này sẽ tiếp tục được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, độc đáo và hấp dẫn hơn.
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc