Phục hồi kinh tế khi sống chung với dịch, cách nào?
Bài học thực tiễn năm 2021 giúp ích gì trong việc phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022, khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp?
Năm 2021, đất nước gặp vô vàn khó khăn, thách thức song nhờ thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nên nền kinh tế vẫn có những điểm sáng rất cơ bản.
Bài học thực tiễn năm 2021 giúp ích gì trong việc phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022? Đâu là giải pháp cốt lõi để vượt qua những thách thức khó lường của dịch bệnh?
Báo Giao thông phỏng vấn, ghi nhận ý kiến một số ĐBQH, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào hạ tầng
Năm 2021 nền kinh tế toàn cầu phục hồi rất nhanh, đặc biệt năm 2022 sẽ phục hồi nhanh hơn. Đặc biệt Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… mức phục hồi gần như thẳng đứng hình chữ V.
Đáng nói, các nước này gần như không có những vấn đề cấu trúc kinh tế. Họ chỉ đơn giản vì dịch bệnh mà đứt gãy chuỗi cung ứng, giống như gặp phải một “tai nạn lớn” mà thôi, nên phục hồi nhanh và dễ dàng.
Nhưng ở Việt Nam câu chuyện lại khác, nền kinh tế đang gặp các vấn đề về tái cấu trúc. Ví dụ, giải ngân đầu tư công hay cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đều chậm.
Trong khi cả thế giới đang bắt đầu chuyển sang giai đoạn thắt chặt tín dụng để giảm lạm phát, chúng ta mới bắt đầu xây dựng gói kích thích kinh tế.
Nếu như thời gian chuẩn bị, cách thức tiến hành không được đẩy nhanh, đến khi giải ngân được hiệu quả sẽ không đạt được như mong muốn. Điều này đi ngược với xu thế toàn cầu.
Tháng 12/2021 chúng ta mới bàn tới gói chính sách kích thích kinh tế. Nhưng gói này cũng chỉ hỗ trợ được một số doanh nghiệp đủ tốt, đáp ứng được các điều kiện vay.
Chưa kể, dư địa về thời gian để thực thi gói chính sách như vậy cũng không còn nhiều. Vì thế, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không còn khả năng để đáp ứng các điều kiện vay cần được bảo lãnh vay. Đặc biệt với đầu tư công, cần tập trung vào cơ sở hạ tầng.
Ví dụ như hàng loạt cao tốc cần được tăng tốc như: Cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc Lào Cai - Hải Phòng, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu...
Theo tính toán, nền kinh tế cần một gói tài khóa chiếm 8 - 10% GDP, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng để tài trợ trực tiếp đến doanh nghiệp. Nguồn này Chính phủ có thể vay của Ngân hàng Trung ương hoặc có thể phát hành trái phiếu.
Ở các nước trên thế giới, Chính phủ phát hành trái phiếu, sau đó Ngân hàng Trung ương mua lại. Việt Nam cũng có thể áp dụng các công cụ tài chính như vậy.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh:
Cách thức chống dịch quyết định phục hồi kinh tế
Liên quan đến việc phục hồi và phát triển kinh tế thì cách thức chống dịch, khống chế dịch và sống chung với dịch là yếu tố quan trọng.
Bởi lẽ với dịch Covid-19 hiện tại, đến nay có thể khẳng định rằng, với tất cả những năng lực của công nghệ và trí tuệ của nhân loại cũng chưa có một dự báo nào dự báo được tình hình sẽ đi tới đâu một cách chính xác. Dịch vẫn hiện hữu, lây lan và vì thế vẫn còn đó đầy rẫy những rủi ro.
Mặc dù chúng ta đã có vaccine, thuốc đặc trị, tuy nhiên cách ứng phó với dịch như thế nào rất quan trọng. Hiện nay chúng ta đã xác định sống chung an toàn, thích ứng và kiểm soát có hiệu quả với dịch, đây là cơ sở rất quan trọng để mở ra cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, việc bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới đối với mỗi nền kinh tế cũng là điều hết sức quan trọng. Cho đến nay, hầu như tất cả các dự báo tăng trưởng của thế giới có thể chậm lại.
Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn rất cụ thể và rõ ràng, mặc dù không cân xứng và đồng đều giữa các quốc gia, khu vực, hay giữa các ngành, các lĩnh vực với nhau, song tổng thể vẫn là một con số tăng trưởng tương đối tích cực trong bối cảnh dịch bệnh.
Trong năm 2022, thị trường nội địa vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng, khi tiêu dùng nội địa (đóng góp khoảng 68 - 70% GDP) được phục hồi và phát triển, các khoản chi tiêu của Chính phủ (đầu tư công, hỗ trợ danh nghiệp và người lao động) sẽ kích thích chi tiêu trong nước, kích thích tăng trưởng.
Hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thông qua các hình thức khuyến khích đầu tư vào khu công nghệ cao, vườn ươm sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 có khá nhiều điểm sáng tạo đà cho bước phát triển mới của nền kinh tế trong các năm tới. Năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ có bước phát triển khởi sắc, với các quyết sách phù hợp, kịp thời của Chính phủ và tính năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân.
Đây cũng chính là nhân tố quyết định, là động lực và niềm tin để nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
Lợi thế lớn từ môi trường ổn định
Trong năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là từ 6 - 6,5% và mục tiêu này đã được Quốc hội thông qua. Kế hoạch này cũng tương đồng với dự báo của các tổ chức nghiên cứu quốc tế.
Chỉ tiêu này là tương đối cao, bởi trong năm 2021 chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng tương đối thấp so với con số này. Điều này chứng tỏ sức chịu đựng nền kinh tế yếu, nguồn lực của doanh nghiệp dường như đã cạn kiệt sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch. Điều này dự báo nguồn lực để phục hồi nhanh trong năm 2022 cũng không phải là dồi dào.
Diễn biến dịch vẫn phức tạp, mới nhất là chủng Omicron đang lây lan ở nhiều quốc gia với tốc độ nhanh. Rất nhiều nước tưởng rằng kiểm soát được dịch nên đã mở cửa trở lại nhưng rồi cũng phải đóng cửa.
Đây thách thức trước mắt trong phục hồi và phát triển kinh tế của chúng ta năm 2022. Đặc biệt là để đạt được con số tăng trưởng như kỳ vọng thì đó là thách thức không nhỏ.
Nguy cơ về dịch bệnh kéo dài làm nản lòng các nhà đầu tư, bào mòn sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp tại các địa bàn trọng điểm; có thể gây chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang những nước an toàn hơn.
Áp lực lạm phát gia tăng, giá năng lượng và nguyên vật liệu đang ở mức cao; các nước phát triển thực hiện ồ ạt các gói kích thích kinh tế rất lớn, trong khi tổng cầu hồi phục nhanh đã làm cho lạm phát tăng nhanh ngay tại một số nước đang phát triển...
Dù có nhiều khó khăn, thách thức, song dự báo năm 2022 cũng là thời cơ để chúng ta có những tăng trưởng bứt phá, nếu kiểm soát được dịch bệnh, nắm bắt được thời cơ.
Chẳng hạn như năm 2021, xuất khẩu vẫn đạt được tăng trưởng cao, chứng tỏ các sản phẩm của Việt Nam vẫn có chỗ đứng. Tiếp đến là thị trường trong nước rất lớn với gần 100 triệu dân, nếu tiếp tục giữ vững được thị trường trong nước thì điều này giúp các doanh nghiệp phục hồi nhanh.
Cùng với đó nguồn lực có thể huy động vẫn còn khá lớn, còn nhiều dư địa để tăng vay nợ trong nước; vốn đầu tư công rất sẵn có nhưng chưa giải ngân được được tối đa, đây là điều cần khắc phục. Đặc biệt, độ phủ vaccine tăng nhanh sẽ cho phép đẩy nhanh lộ trình mở cửa nền kinh tế. Làn sóng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang diễn ra sôi động, cần chuẩn bị các điều kiện để “xây tổ đón đại bàng”.
Nước ta là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trên thế giới, bởi các lợi thế đang có như tham gia nhiều vào các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ và dồi dào, môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là những lợi thế rất lớn.
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:
Cần những gói kích thích kinh tế đủ mạnh
Để cứu nền kinh tế, các nước tung rất nhiều gói kích thích bình quân khoảng 15 - 16% GDP. Các gói cứu trợ này phụ thuộc vào không gian tài khóa, quy mô kinh tế, tiềm lực, không gian tiền tệ của mỗi quốc gia.
Chúng ta cần những gói cứu trợ đủ mạnh như vậy. Dù Chính phủ đã hành động, ban hành nhiều nghị quyết về các gói hỗ trợ nhưng thật sự nếu so với nhiều nước thì các gói hỗ trợ này chưa nhiều, chưa đủ lớn.
Và còn một yếu tố quan trọng không kém nữa chính là khát vọng vươn lên. Để trở thành đất nước phát triển, nước có thu nhập cao như Đại hội XIII của Đảng đã xác định thì phải khơi dậy cho được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Giai đoạn đầu phục hồi kinh tế là những bước đi vô cùng quan trọng. Mỗi hành động, chính sách ban hành đều cần phải đảm bảo cấp bách, chính xác, thiết thực để làm đòn bẩy, tạo tiền đề giúp doanh nghiệp phát triển trở lại. Bởi trong 2 năm qua, hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn tới kiệt quệ.
TS. Bùi Kiến Thành, Chuyên gia kinh tế:
Gỡ bỏ rào cản, hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp
Vai trò của Nhà nước là tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Vậy cần có những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất trong thời điểm này?
Theo tôi, đầu tiên cần tiếp tục gỡ bỏ những rào cản, những quy định hành chính không cần thiết, “cởi trói” cho doanh nghiệp. Để làm được việc này, các Bộ, ngành liên quan cần chủ động rà soát, lắng nghe và kịp thời giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Ở đây cần nhấn mạnh tính “chủ động”, vì nếu bất cứ một chính sách, quyết định nào đưa ra mà không cân nhắc kỹ tác động, không lấy ý kiến rộng rãi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa, hỗ trợ giảm thuế phí, cung cấp vốn cho doanh nghiệp phải thiết thực, để họ có khả năng tiếp cận được. Còn nếu không, tất cả chỉ nằm trên giấy, trong khi doanh nghiệp thực chất không được hưởng lợi, hỗ trợ gì.