'Phục hồi kinh tế sẽ phải kéo dài nhiều năm'
Ngay sau khi xảy ra đại dịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Ngày 9/05, sẽ diễn ra Hội nghị giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp để lắng nghe những ý tưởng, giải pháp và kiến nghị từ đại diện doanh nghiệp trên trên cả nước.
Đại dịch Covid-19 bùng nổ và trước đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm kinh tế thế giới xấu đi nhanh chóng. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 có thể xuống mức âm 3% và nền kinh tế toàn cầu được dự báo còn trầm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008 do các chuỗi cung, cầu bị gián đoạn, sản xuất tê liệt, xuất nhập khẩu ngưng trên, du lịch đông cứng do dịch bệnh.
Ở Nhật Bản, theo bà Trần Thị Huệ, nghiên cứu viên Đại học Kyorin, Giám đốc Công ty dịch vụ Y tế Nippon Star, nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khảo sát tại Nhật Bản với hơn 12.000 doanh nghiệp cho thấy có khoảng 65% doanh nghiệp quy mô lớn và 53% doanh nghiệp quy mô nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19; những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành bán buôn, bán lẻ, bảo hiểm, tài chính, bất động sản.
Tại buổi hội thảo online “Covid-19 và Ảnh hưởng Kinh tế Việt Nam” do Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) tổ chức, bà cho rằng, Việt Nam cũng phải đối mặt với tình hình tương tự: xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc bị tắc nghẽn, phải “giải cứu” từ thịt lợn, hải sản cho đến rau quả, nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng từ Trung Quốc cũng gặp khó, nhất là ngành dệt may, da giầy, điện tử… đình trệ sản xuất do thiếu nguyên liệu và phòng chống dịch bệnh.
Bà Huệ trích dẫn khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp trong quý I. Hệ quả là gần 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm nay. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay, theo đánh giá của VCCI. Gần 85% doanh nghiệp cho biết thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp; 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Trong khi đó, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% cho rằng doanh thu của họ sẽ sụt giảm so với 2019. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, phức tạp, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã vấp phải khó khăn trong cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ bởi quá phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu thiết bị và các sản phẩm trung gian phụ trợ công nông nghiệp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tổng cầu trong nước cũng như nước ngoài đều sụt giảm. Bà Huệ cho rằng, khả năng phục hồi của những ngành nghề này nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ phải kéo dài nhiều năm, do còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi sâu sắc.
Theo Bà Trần Thị Thu Hà, Thành viên Ban Cố vấn VANJ nhận xét, các quốc gia phát triển như Nhật Bản hay Mỹ và các nước Châu Âu đang có kế hoạch rút một số doanh nghiệp khỏi Trung Quốc, chuyển hướng về nước họ hoặc sang các nước khác, trong đó có ASEAN. Điều này vừa đem lại cơ hội, song cũng là thách thức cho Việt Nam. Việt Nam đang chuẩn bị thực thi các hiệp định thương mại tự do như CTPPP, EVFTA và triển khai FTA với nhiều quốc gia như EPA với Nhật, FTA với Hàn Quốc. Việt Nam có cơ hội lớn để tăng cường hợp tác với các nước này, cùng tái cấu trúc các chuỗi cung ứng để tăng nội lực, nội khối, bớt phụ thuộc vào Trung Quốc và tận dụng lợi ích của các FTA.
Một thực trạng hiện nay mà Chính phủ và giới chuyên gia đều nhận thấy đó là nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào FDI và các doanh nghiệp nước ngoài, giá trị gia tăng nội địa không cao chỉ 10-15% chuỗi giá trị tổng thể. Trong khi đó phần lớn các doanh nghiệp trong nước còn nhỏ về qui mô, khá lạc hậu về công nghệ và quản trị, ít kết nối với FDI và dễ bị tổn thương.
Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những điều chỉnh trong chính sách các quốc gia như việc Mỹ rút Việt Nam ra khỏi danh sách “quốc gia đang phát triển” trong Luật Thuế chống trợ cấp, hay công ty nước ngoài sẽ lợi dụng cơ hội để đầu tư thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam đang bị khủng hoảng vì Covid-19.
Bà Thu Hà nhận xét, việc cần làm hiện nay là nhanh chóng nâng cấp và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xuất xứ hàng hóa, hệ thống tổ chức đánh giá sự phù hợp và cơ chế thừa nhận lẫn nhau với các thị trường lớn, bộ máy trọng tài quốc tế và tòa án hành chính về thương mại, dịch vụ đủ năng lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế của doanh nghiệp, nhất là về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn và xuất xứ hàng hóa.
Theo Chuyên gia kinh tế độc lập - Phạm Chi Lan, ở Việt Nam, việc phòng chống, phát hiện và điều trị Covid-19 được Chính phủ coi như một “cuộc chiến”, “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sỹ”. Qua công tác chỉ đạo và điều hành thời gian qua, Chính phủ đã tạo niềm tin cho người dân và sự gắn kết bên trong giữa các bộ, ban ngành. Chính phủ cần tận dụng cơ hội này để tích cực thực thi các biện pháp thay đổi. Bên cạnh đó, nhà nước cần cởi mở đối thoại về việc chảy máu chất xám, việc hợp tác với các nhà khoa học để thương mại hóa các bằng sáng chế, hợp tác các doanh nghiệp tư nhân trong nghiên cứu.
Cùng với đó, Chính phủ cần có cơ chế để các chuyên gia người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam. Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu trong cấu trúc và vận hành nền kinh tế của tất cả các quốc gia, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do vậy, cần coi đây là một thời cơ để Việt Nam tự nhìn nhận lại, điều chỉnh chiến lược, tăng cường nội lực, và triệt để tư duy bứt phá. Để có thể vượt qua khủng hoảng, Việt Nam cần xác định rõ vị thế của mình, đánh giá sâu sắc về thực trạng, tìm kiếm những thế mạnh và mũi nhọn thực sự. Chính phủ cần chú trọng phục hồi và phát triển những ngành ứng dụng công nghệ cao hơn, mang lại thu nhập/giá trị gia tăng nhiều nhất, lao động có kỹ năng nhiều nhất và toàn lực tập trung phát triển nó trong thời gian ngắn nhất, giống như chúng ta toàn lực dập dịch đợt vừa qua. Việt Nam không thể cứ mãi gia công mà phải phát triển công nghiệp, dịch vụ sáng tạo một cách mạnh mẽ hơn.
Bà nói: “Chính phủ và doanh nghiệp cần phân bổ và sử dụng các gói cứu trợ một cách khôn ngoan, chính xác để phát huy và tạo nên các thế mạnh mới. Việc đầu tư cần mang tính lâu dài, bền vững và cũng cần một cơ chế minh bạch, rõ ràng với tinh thần’’chống tụt hậu như chống giặc’’.
Lan Anhlược ghi
Ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Quốc Bảo chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản VN & TPHCM.
Đề nghị chính phủ
1. Thành lập ban chỉ đạo khôi phục kinh tế do đích thân TTg đứng đầu trong đó có thành viên là đại diện các hiệp hội DN có từ 5.000 hội viên trở lên.
2. Cho phép các DN có đầu tư vào các startup được hạch toán khoản đầu tư vào chi phí tính thuế TNDN kỳ 2020 và 2021 số tiền tối đa 30% trị giá lợi nhuận trước thuế (Nghị định 41 hầu như startup không được hưởng gì vì chủ yếu phải DN hoạt động rồi thì mới được giãn thuế và tiền thuê đất nên cần có cs gián tiếp để kích thích các DN vừa và lớn còn có lãi đầu tư cho các startup).
Đề nghị Quốc hội :
1. Giảm thuế suất TNDN xuống 10% cho tất cả các công ty từ lớn đến bé cho kỳ tính thuế 2019, 2020.
2. Thống nhất thuế suất VAT 5% cho tất cả các mặt hàng từ 1.6.2020
3. Thuế suất VAT cho tất cả các mặt hàng make in VN xuất khẩu là -10% ( tức là xuất khẩu được 100 đồng thì ngân sách cho thoái thêm10 đồng)
4. Cá nhân có thu nhập chịu thuế mà đem đầu tư cho startup thì miễn thuế TNCN cho khoản đó.
5. Chi ủng hộ chống dịch của các DN được tính vào chi phí trước thuế mà không có giới hạn hạn mức bao nhiêu
6. Giãn các loại thuế theo ND41 đến hết tháng 6 năm 2021
7. Để kéo các CTY sản xuất về Việt Nam và đồng thời nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ trong nước, tất cả các nhà máy của các công ty chuyển từ "nước khác" về VN sẽ được hỗ trợ miễn giảm thuế TNDN mức cao nhất trong luật. Các công ty trong nước đáp ứng được và trở thành vender của các nhà máy này sẽ được miễn thuế tương tự kể từ khi chính thức thành vender của họ
Đề nghị hiêp hội ngân hàng
1.Giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của DN 2% trong ít nhất 1 năm , trong đó ngân sách bù 1% còn ngân hàng TM chịu 1%.
2. Không giảm điều kiện tín dụng thông thường , không định giá lại các TS cầm cố nhưng tăng tỷ lệ hạn mức cho vay lên tối thiểu 10% (ví dụ trước cho vay 70% trị giá ts đảm bảo thì bây giờ cho vay 77%) và tối đa được phép cho vay 110% trị giá TS đảm bảo
Giải pháp để cân đối nguồn bù đắp ngân sách
1. Giải tán hoặc là ngừng cấp ngân sách, yêu cầu tự tìm nguồn đối với 1 số hội/hiệp hội, đoàn thể các cơ quan ăn lương ngân sách không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay
2. Giảm một phần lương/trợ cấp của công chức đối với những người có thu nhập trên 9tr/tháng (kv1 và tương ứng các kv khác) để chung tay cùng DN và người lao động.
3. Giảm biên chế nhanh hơn và quyết liệt hơn.
4. Ưu tiên bán cổ phần các DN nhà nước khi CP hóa cho người có duy nhất quốc tịch VN trong năm 2020 không cần chứng minh nguồn gốc tiền nếu chấp nhận nộp cho nhà nước 20% trị giá mua.
5. Trích 1 phần trong dự trữ ngoại hối quốc gia.