Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương
Đó là chủ đề chính tại buổi Hội thảo phát triển địa phương 'Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19' do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều ngày 13-10 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Điểm cầu tỉnh Sóc Trăng tại UBND tỉnh với sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn. Cùng dự có các đồng chí: Lâm Tấn Hòa - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo phục hồi kinh tế, thích ứng với đại dịch 2021 - 2023. Với quan điểm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%; qua đó đề nghị cần nhanh chóng khắc phục khó khăn của nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn lực, trong đó có đầu tư công, phát triển các đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm, ngành, lĩnh vực động lực tăng trưởng bao gồm cả các động lực tăng trưởng mới…
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt vấn đề tại sao lại thích ứng an toàn, linh hoạt, thích ứng nhưng lại kiểm soát được dịch bệnh. Chúng ta đang tổn thương nên phải phục hồi, nhưng để phục hồi thì phải kiểm soát được dịch bệnh. Để kiểm soát được dịch bệnh trong điều kiện không đủ vắc xin, Thủ tướng Chính phủ nêu ra các giải pháp, đó là phải tiếp tục thực hiện “5K, công nghệ, vắc xin và nâng cao ý thức, vai trò của người dân trong phòng, chống dịch”. Phải tăng cường quản lý rủi ro, kiểm soát tử vong, tăng cường y tế cơ sở, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất với y tế cơ sở...
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm đó là thực hiện tốt an sinh xã hội có trọng tâm, trọng điểm trên nguyên tắc "không ai thiếu ăn thiếu mặc, không để sót đối tượng được thụ hưởng chính sách". Cùng với đó phải kiểm soát tốt an ninh, an toàn, an dân để ổn định chính trị. Phát huy đại đoàn kết dân tộc để biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội. Đó là cơ hội để cải cách hành chính, chuyển đổi số, xanh hóa nền kinh tế...