Phục hồi mai sau tết

Sau khi khoe sắc rực rỡ trong những ngày xuân, cây mai đã kiệt sức, nhất là mai trồng chậu. Thời điểm này, nhiều nhà vườn bắt đầu phục hồi, chăm sóc sau một vụ hoa để giúp cây có thể 'tái sinh', khoe sắc mùa hoa mới.

“ĐỘ” LẠI TÁN MỚI CHO CÂY

Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu cho thuê mai tết phát triển mạnh. Thời gian cho thuê mai khoảng 1 tháng, thường bắt đầu từ giữa tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Sau khi cho khách thuê mai chơi xong vụ tết, nhà vườn thu hồi cây mang về chăm sóc. Thời điểm này, cây mai được chăm lại với rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là cắt cành để tạo lại tán. Công đoạn này thường có 2 lựa chọn, cắt vanh tạo tán mới cho cây nguyên bản và cắt sát thân để ghép phôi, tạo bộ tán mới cho cây mai ghép. Tùy từng dáng, thế của cây và sự sáng tạo của người thợ để cho ra tạo hình mới.

Cắt cành là khâu quan trọng trong việc phục hồi cây mai sau tết - Ảnh: Từ Huy

Anh Lê Thanh Lễ, thợ của vườn mai Duy Anh ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài chia sẻ, mai chậu thường có 2 loại là cây nguyên bản và cây ghép, tùy từng loại mà có cách cắt cành khác nhau. Nếu cắt để cây ra chồi rồi ghép thì cắt sát thân. Nếu để ghép luôn vào thân thì cắt cách thân một đoạn, làm sao cho toàn bộ cây sau khi cắt xong phải định hình được khung tán cơ bản. Còn cắt dưỡng tán thì chỉ cắt ở đầu cành, loại bỏ cành hư, canh cho cân đối với thân rễ để dưỡng tán lại.

CHĂM SÓC CÂY

Sau khi cắt cành, cây sẽ được thay toàn bộ giá thể. Những cây mai có đường kính rộng và thân cao vài mét, nhà vườn phải dùng ròng rọc hỗ trợ để nhấc cây lên khỏi chậu. Những người thợ làm mai sẽ đưa hết phần giá thể cũ ra ngoài, thay vào giá thể mới. Kỹ thuật quan trọng nhất của khâu này là phải dùng dụng cụ nạy đất kết hợp với xả nước liên tục để lèn chặt giá thể qua các khe rễ bên dưới nhằm giúp gốc không bị rỗng, đảm bảo cây sẽ ra rễ mới và sinh trưởng tốt.

Thay giá thể cho cây mai - Ảnh: Từ Huy

Anh Đinh Hữu Phát, chủ vườn mai Duy Anh, phường Tân Đồng cho hay: Đối với cây trồng chậu lớn thì có thể 2 năm mới thay giá thể 1 lần, chậu nhỏ thì thay hằng năm. Giá thể rất quan trọng đối với cây mai, phải chọn giá thể xốp, chủ yếu là xơ dừa kết hợp với phân hữu cơ. Việc thoát nước tốt sẽ giúp cây đủ sức phát triển, nếu giá thể thoát nước không đạt yêu cầu thì cây sẽ bị úng, không ra rễ mới.

“Sau khi cây đã làm lại tán và thay giá thể, những vết cắt sẽ được bôi thuốc “liền sẹo”, toàn bộ thân cây sẽ được bó xơ dừa hoặc phủ lá chuối khô. Đây là công đoạn cần thiết để cây được giữ ẩm và che mát hoàn toàn. Lúc này cây không còn quang hợp, việc trùm lá chuối và cột xơ dừa giúp cây tránh ánh nắng trực tiếp, bên trong thân luôn mát mẻ, kích thích đâm chồi non. Tùy tuổi và sức khỏe của cây mà có thời gian che phủ khác nhau. Trung bình khoảng 20 ngày, khi kiểm tra thấy những vết cắt đâm chồi non là có thể tháo lá chuối và xơ dừa ra để cây tiếp xúc với ánh nắng” - anh Nguyễn Hoài Linh, thợ làm mai lâu năm ở xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú bật mí.

Che mát cho cây mai sau khi đã xử lý qua nhiều công đoạn - Ảnh: Từ Huy

Có 2 thời điểm thích hợp để nhà vườn tiến hành ghép bo (ghép mắt, chồi ngủ) cho cây. Một là trong giai đoạn cây vừa được cắt cành xong, có thể ghép trực tiếp nếu bo giống đã sẵn sàng. Hai là đợi đến khi cây đã ra chồi một thời gian, chồi đủ tuổi ghép thì tiến hành. Anh Phát cho biết: “Hiện vườn mình đang nuôi bo, đợi bo già và cây phục hồi, kéo nhựa mới tiến hành ghép. Thời điểm thích hợp là khoảng đầu tháng 2 âm lịch”.

Không khí nhộn nhịp của nhà vườn trồng mai sau tết - Ảnh: Từ Huy

Để có những cây mai nở dày hoa, khoe sắc vàng rực rỡ trong những ngày xuân, nhà vườn cần tỉ mỉ ngay từ khâu phục hồi cây, đảm bảo từng phôi cây phát triển khỏe mạnh là nền tảng cho bộ tán mới hình thành. Và như vậy, mỗi cây mai vàng có thể tiếp tục khoe sắc trong mùa xuân mới.

Ly Na

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/169532/phuc-hoi-mai-sau-tet