Phục hồi một số chức năng bị rối loạn cho bệnh nhân hậu Covid-19
Chăm sóc hậu Covid-19
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, sau khi bị bệnh Covid-19, người bệnh cần được tiếp tục hỗ trợ để giúp cho quá trình phục hồi sức khỏe tốt hơn, nhanh hơn. Trước hết, người đã khỏi bệnh cần thực hiện một số biện pháp hoặc có người hỗ trợ duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, chủ yếu ngủ nhiều vào ban đêm, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày để thực hiện các công việc phục hồi sức khỏe, như: Vận động nhẹ nhàng (đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm nếu có thể, tập dưỡng sinh…). Cần chú ý tập thở, hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày. Bên cạnh đó, người khỏi bệnh cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày, có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều, chia thành 3 - 4 lần, mỗi lần 5 - 10 phút. Việc làm này sẽ giúp điều hòa nhịp sinh học của cơ thể.
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh
“Với người đã hoàn thành thời gian tự cách ly, khuyến khích họ tham gia các hoạt động cùng với người thân như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt, với người cao tuổi, việc trò chuyện động viên, giúp họ giảm lo lắng, kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh Covid-19 rất tốt. Các thành viên trong gia đình nên khuyến khích người đã khỏi bệnh Covid-19 đọc sách, báo, chế độ sinh hoạt lành mạnh. Đặc biệt, người sau nhiễm Covid-19 cần hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại, thiết bị điện tử liên tục trong ngày”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.
Trong giai đoạn đầu, người nhà lưu ý nên chia bữa ăn thành 3 - 5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của người bệnh và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn (tùy theo điều kiện từng gia đình). Người khỏi bệnh nên ăn nhiều rau, uống đủ lượng nước hàng ngày; ngoài ra nên uống thêm nước ép trái cây, uống thêm sữa (nếu người có bệnh đái đường nên uống loại sữa không đường, không ăn các loại bánh kẹo, nước giải khát có đường). Để bổ sung các loại vi chất do tổn hại của bệnh Covid-19, người khỏi bệnh nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như tôm, cua, cá; để bổ sung kali nên ăn thêm chuối chín, bổ sung kẽm nên ăn hàu, sò, cá… Người khỏi bệnh Covid-19 nên kết hợp hài hòa giữa dinh dưỡng và tập dưỡng sinh, cơ thể sẽ mau chóng hồi phục sức khỏe.
Phục hồi một số chức năng rối loạn
Covid-19 gây tổn thương không chỉ ở phổi mà còn nhiều cơ quan khác, trong đó có rối loạn nuốt, rối loạn giọng nói, suy giảm nhận thức, suy giảm sức khỏe tinh thần. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Rối loạn nuốt có thể gặp ở người bệnh sau thở máy, nằm viện lâu hoặc do bệnh nền, yếu cơ toàn thể. Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ đánh giá rối loạn nuốt qua thang điểm hoặc các công cụ đánh giá lâm sàng và cận lâm sàng phù hợp. Biện pháp can thiệp là qua các bài tập phục hồi chức năng nuốt. Yêu cầu người bệnh ngồi thẳng trong lúc ăn, giữ tư thế thẳng (ngồi, đứng, đi bộ) ít nhất 30 phút sau bữa ăn và tuân thủ vệ sinh miệng sạch sẽ. Chú ý, trong quá trình thực hiện, người khỏi bệnh nên ăn thong thả, không hối hả, thức ăn chế biến có kích thước vừa đủ để nhai và nuốt.
Cùng với rối loạn nuốt, bệnh nhân Covid-19 đặt nội khí quản sau khi khỏi bệnh thường bị nói khàn, giọng yếu. Nguyên tắc chăm sóc thanh quản và giọng nói bao gồm: Uống nước thường xuyên, bảo đảm đủ nước, hạn chế thực phẩm, đồ uống có cafein như trà, cà phê, nước ngọt. Người bệnh nói trong giới hạn cảm thấy thoải mái, không gắng sức, không nói cao giọng, không hét to, không cố gắng ép giọng nói (nói thì thầm), khi mệt thì tạm dừng nói. Khi giọng nói người bệnh chưa phục hồi cần sử dụng thiết bị hỗ trợ như micro, viết ra giấy, nhắn tin, cử chỉ để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh cần tập các kỹ thuật phục hồi giọng nói theo hướng dẫn của chuyên viên âm ngữ trị liệu.
Các bài tập luyện trí nhớ, câu đố, trò chơi chữ và số với độ khó tăng dần sẽ giúp người bệnh phục hồi chức năng suy giảm nhận thức. Biểu hiện rối loạn là bệnh nhân khó khăn về ghi nhớ, chú ý. Kết quả nghiên cứu cho thấy suy giảm nhận thức có thể gặp ở một số người mắc Covid-19 thể nhẹ. Nếu các bài tập luyện không cải thiện, bệnh nhân cần được lượng giá và điều trị phù hợp bởi chuyên khoa thần kinh, hoạt động trị liệu hoặc ngôn ngữ trị liệu. Ngoài ra, bệnh nhân sau khi khỏi bệnh Covid-19 còn bị rối loạn sức khỏe tâm thần (căng thẳng, lo âu, trầm cảm). Người khỏi bệnh cần ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường. Các bài tập luyện về sức mạnh thể lực, sức khỏe tinh thần sẽ giúp người khỏi bệnh tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày: Tự chăm sóc, làm việc và giải trí. Người nhà cần xem xét, thay đổi sắp xếp vị trí đồ đạc trong nhà, như: Làm tay vịn trong nhà tắm, nhà vệ sinh, cầu thang; cung cấp các thiết bị hỗ trợ di chuyển như khung tập đi, ghế ngồi tắm nếu người khỏi bệnh cần sử dụng.
Bài tập phục hồi chức năng nuốt
Người bệnh ngồi ở tư thế đầu cao 30 - 900, gối kê sau đầu, choàng khăn ăn trước ngực, duy trì tư thế ăn thoải mái.
Cho người bệnh nhìn thức ăn sẽ ăn và nói về món ăn đó để kích thích sự thèm ăn của người bệnh, giúp xuất tiết dịch tiêu hóa. Thực hiện hoạt động ăn theo mệnh lệnh đơn giản, như: Há miệng ra nào, nếm thử, ngậm lại, nhai đi và dùng lưỡi đưa thức ăn lên hàm trên, sang hai bên, đưa hàm dưới vào trong và nuốt.
Trợ giúp người bệnh bằng tay. Trong trường hợp người bệnh tự ăn được thì không cần có động tác này.
Cho người bệnh ăn từng muỗng một với lượng thức ăn ít một, yêu cầu người bệnh phải làm động tác nuốt hai lần.
Thức ăn phải đưa vào đúng vị trí khoang miệng, để người bệnh nhai và nuốt hết thức ăn trong khoang miệng mới bón thìa thức ăn tiếp theo.
Hết bữa ăn, vệ sinh khoang miệng và luôn giữ độ ẩm khoang miệng của người bệnh.