Phục hồi phát triển du lịch Việt Nam cần sớm định hình xu thế mới

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, để du lịch Việt Nam phục hồi trong thời gian tới cần quan tâm tới các định hướng về chính sách, về đầu tư, về sản phẩm và thị trường, về huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực.

Chính sách thị thực chưa đủ hấp dẫn

Ngày 1/4, Diễn đàn Du lịch Việt Nam 2022 “Phục hồi Du lịch Việt Nam - Định hướng mới, Hành động mới” được tổ chức để đóng góp ý kiến, kiến nghị giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam sau khi Việt Nam mở cửa lại du lịch từ 15/3.

Theo ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ tháng 10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã tạo cơ hội cho sự phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có du lịch. Đặc biệt, từ ngày 15/3 vừa qua, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch. Đây là dấu mốc quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ cần từ 3 - 4 năm để có thể phục hồi lại hoạt động như mốc năm 2019. Đây cũng là nhiệm vụ và thách thức đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, để phục hồi các định hướng mới cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới cần được quan tâm như các định hướng về chính sách, định hướng về đầu tư, về sản phẩm và thị trường, định hướng về huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực. Đây là các điều kiện quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Chính phủ cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và đây là bước đầu và đòi hỏi sự năng động của quỹ trong thời gian tới để huy động các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương phục hồi và phát triển du lịch. Trong quá trình phục hồi du lịch cần sự đầu tư lớn nhưng với nhu cầu đi du lịch thay đổi cần gắn liền với du lịch xanh, du lịch văn hóa để phát triển bền vững.

Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn.

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đánh giá so với các nước trong khu vực, chính sách cấp thị thực nhập cảnh của Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn du khách, làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt với các thị trường lân cận. Cụ thể, nếu như đa phần các quốc gia khác trong khu vực đã áp dụng chính sách miễn thị thực cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống, thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở Đông Nam Á vẫn yêu cầu xin thị thực đối với hầu hết các khách du lịch.

Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Indonesia... Theo ông Tuấn, hiện nay để thu hút khách du lịch, nhiều quốc gia có nền du lịch cạnh tranh như Thái Lan, Singapore đã áp dụng quy trình cấp thị thực thấp và thủ tục công khai trên nền tảng điện tử. Trong khi đó, chi phí thị thực du lịch cấp khi nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam cao gần gấp hai lần so với các nước như Campuchia, Lào hay Indonesia.

Tập trung khai thác các thị trường truyền thống

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: “Đến thời điểm này doanh nghiệp và ngành du lịch đã sẵn sàng. Thời gian tới, hy vọng các cấp, ban ngành sẽ có những chính sách quyết liệt, hỗ trợ du lịch rút ngắn giai đoạn phục hồi bước vào giai đoạn phát triển, bứt phá”.

Về sản phẩm du lịch, năm 2022 có xu hướng tăng lên về nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, nhu cầu về phục hồi sức khỏe và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh sẽ tăng lên trong năm 2022 và những năm tiếp theo do các triệu chứng hậu Covid-19.

Theo Global Data, đây là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022 với số lượng khách du lịch chữa bệnh bằng năm 2019. Một số quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng xúc tiến quảng bá ngay các sản phẩm du lịch này cùng với khi mở cửa du lịch quốc tế như Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…

Về hành vi tiêu dùng của khách du lịch, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, xu hướng lựa chọn các điểm đến du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch sinh thái và các điểm nghỉ dưỡng cách biệt tăng lên sau đại dịch. Xu hướng đi du lịch đến các điểm đến gần, đi theo nhóm nhỏ hoặc nhóm gia đình tiếp tục là lựa chọn của nhiều khách du lịch trong năm 2022.

Về định hướng thị trường khách quốc tế, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, trước mắt, du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài.

Một số thị trường cụ thể tại Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), chuẩn bị kế hoạch xúc tiến thị trường Trung Quốc khi điều kiện cho phép; thị trường Nga, các thị trường Tây Âu và Bắc Âu đã được miễn visa đơn phương; thị trường Australia, Newzealand và thị trường Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Bắc Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ cũng là các thị trường đã hầu như mở hoàn toàn đối với du lịch quốc tế. Tuy nhiên, việc kết nối đường bay cần thời gian để phục hồi và phát triển.

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng giám đốc Flamingo Redtour, cho biết muốn có khách thì xác định ngay thị trường gần và nhóm đi gia đình để thu hút khách trong thời gian tới, nhất là dịp hè. Bên cạnh đó cũng xác định thị trường phát triển dài hạn để phát triển bền vững. Để làm được điều này cần sự hài hòa theo từng giai đoạn phát triển./.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phuc-hoi-phat-trien-du-lich-viet-nam-can-som-dinh-hinh-xu-the-moi-102838.html