Phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim
Ngày 12/12, tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố Đề án 'Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032'.
Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; tổ chức quốc tế, đại diện Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ, đoàn đại biểu đến từ Thái Lan, chuyên gia trong, ngoài nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Vườn quốc gia Tràm Chim có diện tích 7.313 ha; là hệ sinh thái đất ngập nước còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa. Nơi đây có tính đa dạng sinh học cao với hệ thực vật 130 loài, 130 loài thủy sản nước ngọt; là nơi trú ngụ của hơn 230 loài chim đặc hữu của vùng, đặc biệt là sếu đầu đỏ - loài chim quý, hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng và được cả thế giới quan tâm bảo vệ. Năm 2012, Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, sếu đầu đỏ là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới. Trước đây có những năm, hàng nghìn con sếu đầu đỏ di cư về vùng đất Tràm Chim sinh sống. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, quần thể sếu đầu đỏ về đây ngày càng ít dần. Việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, nuôi dưỡng và bảo tồn sếu đầu đỏ là yêu cầu cấp bách. Bởi loài chim này là biểu tượng về văn hóa, tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân từ ngàn xưa...
Để hiện thực hóa việc “đưa đàn sếu trở về”, Đồng Tháp đã xây dựng và phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032". Mục tiêu là phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong 10 năm (từ năm 2022 - 2032) sẽ nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim.
Trong Đề án có nhiều hoạt động như: Nhận, nuôi dưỡng sếu chuyển giao, đồng thời, nghiên cứu sinh sản và tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim; cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia, hướng đến phục hồi và bảo tồn các giá trị về đa dạng sinh học điển hình của vùng Đồng Tháp Mười xưa; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu về môi trường tự nhiên…
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên và biên bản thỏa thuận các hoạt động với đối tác Thái Lan; triển khai một số chương trình phục hồi hệ sinh thái trong Vườn quốc gia Tràm Chim. Đồng thời triển khai mô hình canh tác lúa sinh thái hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ xung quanh vùng đệm; xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nuôi sếu; truyền thông, tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ chăm sóc sếu đầu đỏ.
Việc phục hồi và phát triển đàn sếu ở Vườn quốc gia Tràm Chim có ý nghĩa trong bảo tồn đa dạng sinh học cũng như đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây. Sự thành công của Đề án góp phần quan trọng để bảo tồn đàn sếu đầu đỏ của khu vực hạ lưu sông Mekong vốn đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.