Sáng kiến trồng hàng triệu 'cây mây' trên dãy Andes

Những ngọn núi cổ xưa trên dãy Andes - nơi sinh sống của gấu mặt ngắn, báo và kền kền bản địa - từng được phủ xanh bởi loài thực vật được mệnh danh 'cây mây'.

Mọc ở độ cao 5.000 mét so với mực nước biển, polylepis là thực vật sống tại nơi cao nhất thế giới, sở hữu khả năng hấp thụ và giữ nước từ mây lẫn băng tan chảy rồi từ từ giải phóng qua lớp rêu xốp bao phủ cây, qua đó cung cấp nước suối và thượng nguồn sông Amazon.

Trước đây polylepis phủ khắp nhiều vùng rộng lớn. Nhưng sau hàng trăm năm tình trạng phá rừng cùng phát triển hạ tầng diễn ra thì diện tích bao phủ hiện chỉ còn 500.000 hecta (tương đương 1 - 10% diện tích ban đầu) khiến hệ sinh thái bản địa suy thoái, polylepis mất đi vai trò rào cản tự nhiên ngăn lũ lụt hay xói mòn. An ninh nguồn nước của hàng triệu người sống dưới chân núi Andes cũng bị đe dọa.

Có ông bà là người Quechua bản địa, nhà sinh vật học Constantino Aucca Chutas đến từ Peru cảm thấy phải bảo vệ vùng đất tổ tiên cùng cư dân sống tại đó.

“Tôi lớn lên gần những con sông, thích ngắm nhìn sinh vật và thiên nhiên hùng vĩ. Tôi tự nhủ rằng sẽ thật tuyệt nếu có thể truyền lại tất cả cho thế hệ sau”, Chutas chia sẻ với đài CNN.

Năm 2018 ông đồng sáng lập Accíon Andina, sáng kiến chung giữa hai tổ chức phi lợi nhuận Global Forest Generation (Mỹ) và Asociacíon Ecosistemas Andinos (Peru) nhằm khôi phục rừng trên cao nguyên cũng như bảo vệ cộng đồng địa phương phụ thuộc vào rừng. Công việc bắt đầu từ Peru rồi nhân rộng sang Ecuador, Argentina, Bolivia, Chile, Colombia với mục tiêu cuối cùng là phục hồi 1 triệu hecta rừng Andes vào năm 2045.

Đến nay Accíon Andina đã trồng được hơn 10 triệu cây nhờ hàng nghìn gia đình bản địa giúp sức. Theo ông Chutas: “Lần đầu chúng tôi đoàn kết dọc dãy Andes là khi cùng thuộc về đế chế Inca. Lần thứ hai chúng tôi đoàn kết để đấu tranh giành độc lập. Lần thứ ba đoàn kết là vì polylepis”.

Nhà sinh vật học Constantino Aucca Chutas - Ảnh: CNN

Nhà sinh vật học Constantino Aucca Chutas - Ảnh: CNN

Pachamama

Nền văn minh Inca thống trị dãy Andes trong hai thế kỷ 15 - 16 sau Công nguyên tôn thờ Pachamama, hay “Mẹ Trái Đất”. Sự tôn trọng thiên nhiên sâu sắc ăn sâu vào văn hóa bản địa nên kền kền, báo, rắn trở thành đại diện cho thiên đường, Trái đất và thế giới người chết của tín ngưỡng địa phương.

Ông Chutas cho biết: “Trong văn hóa Inca, họ tôn trọng sông ngòi, núi non cùng môi trường. Họ quản lý thiên nhiên, sống cân bằng với thiên nhiên. Đây là điều chúng ta cần học hỏi và thực hành”.

Người dân cũng tin vào ý tưởng Ayni và Minka – cùng nhau làm việc vì lợi ích chung. Chutas quyết tâm khôi phục ý tưởng này để góp phần cứu rừng trên cao nguyên, vì vậy mà ông tìm đến cộng đồng người Quechua nhờ giúp đỡ.

Mỗi năm tại các thung lũng quanh thành phố Cusco, Accíon Andina đều tổ chức lễ hội trồng cây tên Queunã Raymi. Hoạt động bắt đầu bằng nghi lễ thời tổ tiên (nhảy múa cùng âm nhạc) để tôn vinh Pachamama. Sau đó người dân mọi lứa tuổi mặc trang phục truyền thống đem polylepis lên núi.

Để đáp lại sự giúp đỡ, Accíon Andina cung cấp hỗ trợ y tế, lắp đặt pin mặt trời cho nhiều ngôi làng, đảm bảo quyền lợi đất đai hợp pháp, thiết lập khu vực rừng cần bảo vệ cấm khai thác tài nguyên.

Cộng đồng người Quechua lên núi trồng cây - Ảnh: CNN

Cộng đồng người Quechua lên núi trồng cây - Ảnh: CNN

Cùng làm việc

Sáng kiến trên được xem như hình mẫu của nỗ lực bảo tồn dựa vào cộng đồng, năm 2022 nhận giải Champion of the Earth từ Liên Hợp Quốc.

Theo phó giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc Elizabeth Mrema: “Hoạt động phục hồi rừng do cộng đồng dẫn dắt này là ví dụ về cách mọi người và cộng đồng chung tay vì thiên nhiên, tạo việc làm, tăng cường nỗ lực bảo tồn toàn cầu. Lợi ích thiên nhiên từ rừng polylepis vô cùng to lớn. Chúng ngăn chặn xói mòn đất, giữ ẩm và giữ nước mưa, địa y, rêu cùng hàng loạt thực vật khác, đóng vai trò quan trọng trong an ninh nguồn nước”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/sang-kien-trong-hang-trieu-cay-may-tren-day-andes-227057.html