Phục hồi và phát triển thị trường lao động

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải tạm ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh; trong số các doanh nghiệp đang hoạt động cũng phải cắt giảm nhân công, giảm giờ làm khiến cho đời sống của hàng ngàn người lao động khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp ở KCN ổn định lao động đi vào sản xuất.

(baophutho.vn) - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải tạm ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh; trong số các doanh nghiệp đang hoạt động cũng phải cắt giảm nhân công, giảm giờ làm khiến cho đời sống của hàng ngàn người lao động khó khăn. Bám sát Nghị quyết 128 của Chính phủ về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; trong đó các giải pháp phục hồi thị trường, giải quyết việc làm cho người động cũng được triển khai kịp thời.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua Sở LĐTB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm với số lượng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú nhằm phục hồi thị trường lao động. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn cho 26.000/30.000 lượt người, trong đó gần 13.000 lao động đã có việc làm mới; tư vấn xuất khẩu lao động gần 1.100 người; thẩm định hồ sơ của 24 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các huyện, thành, thị; hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho người lao động đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc; xác nhận các hợp đồng cá nhân đi làm việc nước ngoài… Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Khu công nghiệp Thụy Vân, Phú Hà, Cẩm Khê, Cụm công nghiệp Tử Đà... đã tạo việc làm cho 6.000 lao động. Cùng với việc tư vấn, giới thiệu việc làm, tỉnh cũng đã thực hiện công tác cho vay giải quyết việc làm, chú trọng đến các dự án phi nông nghiệp để tạo nhiều việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Giới thiệu việc làm trực tuyến tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh.

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, từ nay đến giữa năm 2022 các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9.000 người, trong đó lao động có bằng cấp khoảng 2.000 người còn lại là nhu cầu lao động theo các ngành nghề: Điện tử, may mặc, Bất động sản, ngân hàng, nông nghiệp, chế biến gỗ từ trên 13% đến trên 51% lao động. Để giải quyết vấn đề này, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang tiếp tục khai thác mở rộng thị trường lao động sang các tỉnh bạn có nhu cầu lao động lớn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh; đăng tải thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp, cung cấp thông tin đầy đủ về chế độ, chính sách, điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người lao động khi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng chí Phạm Thị Thu Hương- Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: “Sở tiếp tục khảo sát, cập nhật thông tin về nguồn cung, cầu của thị trường lao động; điều tra về nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để có giải pháp đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng và gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chỉ đào tạo nghề khi đã xác định rõ nhu cầu của người được đào tạo và có điều kiện áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, đảm bảo số lượng và chất lượng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cấp huyện, cấp xã và trưởng các khu dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách xuất khẩu lao động tại các địa phương trong tỉnh để phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đến năm 2025 đạt từ 72% trở lên, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận đạt từ 30% trở lên; đưa tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2025 đạt 40%”.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202111/phuc-hoi-va-phat-trien-thi-truong-lao-dong-180731