Phúc sau dồi dào
Người xưa đúc kết: 'Mất tiền là mất ít, mất bạn là mất nhiều, mất lòng tin là mất tất cả'. Ngược lại, có thể nói có lòng tin, đặc biệt là lòng tin chiến lược, là được tất cả.
Lòng tin chiến lược Việt Nam-Trung Quốc ngày càng sâu sắc và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình góp phần gia tăng lòng tin chiến lược giữa hai nước, từ đó đem lại những nét mới cho quan hệ song phương, bao gồm định vị mới, phương hướng mới, triển vọng mới và động lực mới. Trao đổi với phóng viên trước thềm chuyến thăm có ý nghĩa lịch sứ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhận định: “Chuyến thăm là một cơ hội quan trọng để lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng duy trì, tăng cường trao đổi chiến lược, có thể xác định, định vị mới quan hệ song phương, phương hướng mới cho sự phát triển hai nước và mở ra triển vọng hợp tác mới trên các lĩnh vực giữa hai bên, tiếp theo động lực mới cho quan hệ hai Đảng, hai nước chúng ta”.
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ngày 18/1/1950. Chưa đầy 4 tháng sau khi thành lập, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1999, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ song phương trong thế kỷ 21 là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Sau đó, hai bên thỏa thuận đưa Việt-Trung trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Năm 2008, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ song phương là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.
Năm 2013, lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức hội nghị về công tác ngoại giao láng giềng, đưa ra 4 chữ “thân-thành-huệ-dung” (thân thiện, chân thành, cùng có lợi, bao dung). Mười năm sau, trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, quan hệ Việt-Trung được nâng lên tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Quan hệ Việt-Trung không chỉ được ghi thêm mốc son mới qua chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao với lễ đón trọng thể với nghi lễ cao nhất, với biệt lệ, với tuyên bố chung, với lễ ký kết hàng chục văn kiện hợp tác mang tính lịch sử, xác lập kỷ lục về số lượng cũng như nội dung.
Quan trọng hơn, quan hệ song phương ghi thêm dấu son mới trong lòng lãnh đạo cũng như người dân hai nước. Đó là thêm hiểu biết lẫn nhau, thêm tin yêu lẫn nhau. Thêm hiểu về Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại với 5 thành tố chính, gồm: Thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế kiểu mới; Kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ; Xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, công bằng, chính nghĩa, hợp tác cùng thắng, “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” và phương châm ngoại giao “thân-thành-huệ-dung”; Thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự; Phát huy giá trị chung của toàn nhân loại là hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do. Thêm hiểu hoàn cảnh thực tế, quan điểm phát triển, đường lối đối ngoại… của nhau để mà tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng quan hệ song phương, tình cảm nhân dân hai nước.
Với đặc điểm hai nước vốn “sơn thủy tương liên” (sông núi gắn liền), “văn hóa tương đồng”, “đại đồng tiểu dị” (phần lớn giống nhau, rất ít khác biệt) và lòng tin chiến lược đang lên cao, Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng “còn nhiều hưởng thụ về lâu, duyên xưa tròn trặn phúc sau dồi dào”. Lảy một câu Kiều cũng để thấy rằng văn hóa thực sự tương đồng, vừa tôn cao nhau (tôn trọng) như đất vừa làm đầy nhau (tương trợ) như nước. Như danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du đã nương theo bộ truyện văn xuôi “Kim Vân Kiều truyện” của văn sĩ Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân mà tạo ra kiệt tác “Truyện Kiều”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phuc-sau-doi-dao-post1594846.tpo