Phúc Sen trăm năm đỏ lửa nhịp búa rèn dao

Mỗi nhịp búa quai dao bên lò rèn lửa đỏ rộn rã vang là sự hun đúc trí tuệ lao động sáng tạo và sự cần cù chịu khó của bà con Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Nhịp sống làng nghề trăm năm đã làm nên thương hiệu dao Phúc Sen sáng ánh thép, chặt sắc lịm… nổi tiếng cả nước, cuốn hút những ai đến đây đều muốn mua dao và trải nghiệm nghề rèn.

Bản làng bà con Nùng An, xã Phúc Sen là những nếp nhà sàn tựa lưng vào núi đá, bên đường Quốc lộ 3, cách thành phố Cao Bằng 30 km. Nghề rèn dao, nông cụ truyền qua nhiều thế hệ, bà con không biết rõ nghề rèn trong bản có từ bao giờ. Tương truyền theo một số bậc cao niên xã Phúc Sen, xưa bà con dân tộc Nùng An hiền lành, chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống kham khó. Một hôm có ông già từ nơi xa đi ngang qua nơi đây thấy bà con rất chăm chỉ, chịu khó nhưng còn thiếu nhiều nông cụ lao động nên đã dạy cho các rèn dao, lưỡi cày, liềm… để phục vụ đời sống, lao động sản xuất.

Bà con Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) công phu, tỷ mỉ trong từng công đoạn rèn dao để làm ra sản phẩm dao sắc chất lượng cao.

Bà con Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) công phu, tỷ mỉ trong từng công đoạn rèn dao để làm ra sản phẩm dao sắc chất lượng cao.

Khi truyền dạy nghề, ông già yêu cầu người học nghề rèn rất nhiều kỹ năng khó như luyện mắt như “thần nhãn” và đôi tay điêu luyện để điều chỉnh quai búa tôi thép dẻo dai. Mắt nhìn ảnh lửa đỏ phải biết vừa đủ độ nóng để khi quai búa làm cho thép mềm mỏng mới có lưỡi dao sắc không bị giòn mẻ… Dù ông lão yêu cầu khó thế nào, người Nùng An đều làm được bởi đức tính cần cù chịu khó, đầu óc sáng tạo. Từ đó, bà con Nùng An học được nghề rèn và lưu truyền qua nhiều thế hệ, đến nay Phúc Sen có thương hiệu rèn dao và nông cụ sắc nổi tiếng.

Từ câu chuyện tương truyền trên, chúng tôi đến gặp những người có tay nghề cao về rèn dao và nông cụ trong xóm Pác Rằng, Đâư Cọ.... Ông Ngọc Văn Kim, xóm Pác Rằng chia sẻ: Để rèn dao, liềm, lưỡi cày, quốc sắc bén, người thợ phải trải qua nhiều năm học nghề (khoảng 5 - 10 năm) để nắm bắt kỹ thuật tỷ mỉ và có kinh nghiệm trong các quy trình rèn dao và các nông cụ khác. Khâu quan trọng đầu tiên người làm nghề rèn lành nghề phải xây được lò rèn giữ được nhiệt tốt. Nguyên liệu đá ong xanh rất cứng chịu nhiệt cao, sau đó dùng rơm hoặc trấu trộn vào làm vữa rồi xếp khéo léo chát đá ong thành khuân lò rèn vừa chịu nhiệt tốt, vừa làm điểm đe búa thuận lợi. Nhiên liệu đốt lò rèn phải là than củi từ những loại gỗ cứng để than giữ nhiệt lâu nhưng không bị quá nóng như dùng than đá nung nhiệt độ cao sẽ làm giòn chất thép, nước thép tôi bị giòn thì lưỡi dao khi dùng sẽ bị mẻ, vỡ.

Có lò rèn tốt, khâu quan trọng nữa là chọn được thép tốt từ những miếng nhíp của ô tô đã hỏng. Thường bà con nhập thép nguyên liệu từ Vĩnh Phúc bãi xe thường có loại chất thép 60 chứa nhiều cac-bon để khi tôi thép không giòn, lưới thép dao sắc không bị mẻ gẫy, dùng bền.

Sau khi chuẩn bị được lò rèn giữ nhiệt tốt, thép tốt, khâu quan trọng quyết định làm ra sản phẩm rèn chất lượng là kỹ xảo, kinh nghiệm, bí quyết rèn tôi thép sắc bén. Để có nước tôi thép tốt, người thợ dùng tro gỗ lim ngâm với nước vôi để qua đêm đến hôm sau chắt lấy phần nước nổi trên bề mặt để làm nước tôi phôi dao. Phải có nước tôi dao chuẩn, trong thì khi tôi mới biết chinh xác độ sắc.

Chuẩn bị xong các điều kiện cho rèn nông cụ, khi bắt tay vào rèn, người thợ phải đạt đến độ “thần nhãn” tinh thông mới có thể cảm nhận mỗi lẫn đôi tay quai búa nước thép đỏ rực đang ở mức nào để điều chỉnh thép dàn mỏng, đều đúng độ nóng mới tôi nước thép. Đặc biệt, thời điểm tôi nước thép phải đúng nhiệt độ mới cho vào thép vào nước tôi thép để đạt được lưỡi thép sắc bén nhất, thân dao cứng đạt sức chịu lực tốt mà không bị giòn gãy. Khi tôi thép, người thợ đưa lưỡi dao lướt nhanh qua mặt nước tôi, ngập chừng 1 - 2 cm. Nước tôi phải tốt lưỡi dao mới lâu cùn. Sau khi tôi nước thép dao xong, phải ngay lập tức đưa trở lại lò. Đây là giai đoạn quan trọng nhất mà chỉ người thợ rèn có kỹ thuật cao, làng nghề mới làm được công đoạn này. Lưỡi dao khi tôi phải vừa độ phôi thép không già, không non dàn dều vừa đủ độ đem đi tôi thì lưỡi dao mới bén. Nếu mắt người thợ nhìn không chuẩn, nước thép có thể giòn do nung quá già, hoặc bị dẻo do nung còn non.

Dao sau khi hoàn thành nước tôi, dao đem đi mài phải bóng, phần lưỡi qua nước tôi có ánh xanh và vàng nổi trên nền bóng của lưỡi dao mới đạt yêu cầu về độ sắc và bền. Bí quyết rèn dao người Nùng An khi nào rèn được lưỡi dao sắc ưng ý mới mài thô sạch xỉ, rồi chỉnh phần còn cong ở thân, sau đó đem dao mài bằng tay, lúc này, người thợ sẽ để ngón tay vào lưỡi dao để cảm nhận độ bám của lưỡi dao mới hoàn thành một con dao. Tùy thuộc từng loại dao dài ngắn, dao chặt hay thái… mà cách rèn, cách tôi khác nhau. Nhưng để rèn được một con dao, liền, búa, lưỡi cày… người thợ phải kiên trì tỉ mỉ từng thao tác, qua nhiều công đoạn kỹ thuật cùng với kinh nghiệm mới có sản phẩm chất lượng. Trước đây, khoa học kỹ thuật chưa phát triển mọi công đoạn rèn làm bằng tay nên một người thợ rèn khỏe mạnh mỗi ngày chỉ rèn được 1 - 2 con dao. Đến nay, nghề rèn tuy có máy móc hỗ trợ nhưng thợ rèn Nùng An vãn tỷ mỉ làm công phu, tỷ mỉ nên nghề rèn dao Phúc Sen luôn được nâng tầm lên, dù người thợ nào rèn cũng đạt dộ sắc bén và chỉ rèn được 3 - 4 con dao/ngày. Dao của thợ Phúc Sen làm xong nước thép tốt khi chặt, thái đều sắc bén và bền, đạt tiêu chuẩn thương hiệu OCOP 3 sao và trở nên nổi tiếng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Hiện xã Phúc Sen có 6/10 xóm làm nghề rèn: Pác Rằng, Phja Chang trên, Phja Chang dưới, Đâư Cọ, Lũng Vài, Tình Đông…với gần 200 lò rèn/trên 220 hộ/550 thợ rèn có tay nghề cao. Hằng năm sản xuất 40 -50.000 nghìn sản phẩm rèn bán ra thị trường cả nước. Giá mỗi sản phẩm từ 30 - 300.000,đ. Tổng các nguồn thu xã Phúc Sen trên 32 tỷ, trong đó doanh thu sản phẩm rèn chiếm hơn 10 tỷ đồng, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giả. Phúc Sen còn xây dựng được điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng gắn với nghề rèn, hàng năm thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến trải nghiệm.

Xã xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho sản phẩm “Dao Phúc Sen”. Từ năm 2011 đến nay, sản phẩm rèn của Phúc Sen được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chọn tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, phiên chợ hàng Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm “Dao Phúc Sen” đạt tiểu chuẩn OCOP hạng 3 sao do Hợp tác xã Long Chiến, Hợp tác xã Minh Tuấn và nhiều xưởng rèn không ngừng phát huy, cải tiến nên sản phẩm chất lượng luôn nâng cao, phong phú về chủng loại. Các xưởng rèn giới thiệu, bán sản phẩm trên Website, Facebook, Zalo, chợ thương mại điện tử Shopee, Sendo, Lazada… Bán hàng trên chợ online, có hộ còn livestream, quay video, clip đăng trên Youtube, áp dụng vận chuyển hàng, các chương trình giảm giá thu hút khách hàng.

Nghề rèn truyền thống đã góp phần tích cực giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn xã Phúc Sen. Vừa qua, Phúc Sen xuất lô hàng chất lượng cao Dao Phúc Sen sang nước Đức là thị trường khó tính về đồ gia dụng với giá cạnh tranh. Cấp ủy, chính quyền xã quan tâm vận động bà con nâng cao chất lượng thương hiệu sản phẩm đủ sức cạnh tranh và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Trường Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phuc-sen-tram-nam-do-lua-nhip-bua-ren-dao-3175549.html