Phức tạp tội phạm buôn bán người thời đại số
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, mỗi năm có khoảng 240 vụ mua bán người và 570 nạn nhân trong các vụ mua bán người được phát hiện. Tình trạng buôn bán người đang có nhiều diễn biến phức tạp, tinh vi với thủ đoạn khó lường để hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Cứ mỗi lần mang thai hộ, người mang thai sẽ nhận về từ 300 đến 350 triệu đồng. Còn người đứng sau ổ nhóm cho thuê mang thai hộ là Triệu Thị Kim Thảo lại ra giá với các đối tượng có nhu cầu từ 800 đến 1,2 tỷ đồng. Để hợp thức hóa cho hoạt động mang thai hộ, mọi hoạt động từ chăm nuôi, thăm khám đều được Thảo thực hiện tại bệnh viện. Lợi nhuận cao đi cùng nhu cầu lớn trong xã hội đã khiến dịch vụ mang thai hộ đang phát triển tràn lan trên mạng xã hội.
Triệu Thị Kim Thảo – Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Thấy khách có nhu cầu tới tìm gặp thì em sẽ thỏa thuận giá cả từ 800 triệu đến một tỷ đồng. Sau đó, em đưa mẹ bầu lên viện thăm khám để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị. Đến ngày đổi mẫu tinh trùng, bên em đến lấy mẫu và đổi tráo trong bệnh viện. Mẹ bầu sẽ nhận về từ 300 - 350 triệu đồng."
Tại Nghệ An, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố hai đối tượng Lương Thị Mái (sinh năm 1985) và Lương Văn Sỏn (sinh năm 1964) cùng trú xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn về tội "Mua bán người".
Đáng nói, đối tượng thực hiện hành vi của mình thông qua việc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của một người phụ nữ cùng xã để lừa bán người phụ nữ này ra nước ngoài với lời hứa “sang đó lấy chồng, đi khoảng một năm sẽ có người đưa về”. Lợi nhuận hai đối tượng này thu về 80 triệu đồng.
“Mua bán người” đã và đang “núp bóng” dưới nhiều chiêu trò, phổ biến nhất là tìm lao động làm việc tại nước ngoài với mức lương từ 18 đến 30 triệu đồng. Khi có nạn nhân bính bẫy, tổ chức móc nối sẽ đưa người sang Lào để bán cho các đường dây hoạt động tội phạm lừa đảo quốc tế. Đây là thủ đoạn mà 4 nghi phạm tại Hà Tĩnh đã thực hiện để lừa 36 người Việt Nam sang hoạt động tại Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào).
Trong 6 tháng đầu năm nay, số vụ mua bán người tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Tuy nhiên, theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay, chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra; còn khi vẫn còn đang trong bào thai bụng mẹ, chưa thể coi là con người, chưa là đối tượng hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.
Bà Trần Thị Khánh Thu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho hay: “Mua bán thai nhi trong bụng mẹ, đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục và chưa được quy định tại pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cần bổ sung, truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp mua bán thai nhi.”
Ông Nguyễn Công Long – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết: Chúng ta đều biết rằng mục tiêu của họ cuối cùng là mua bán người, mua bán trẻ sơ sinh được sinh ra. Bởi vậy, nếu chúng ta cứ chiếu theo quy định là phải có con người thì biện pháp phòng chống sẽ thiếu hiệu quả. Chúng ta cần mở rộng hơn ở Luật Phòng chống mua bán người.”
Trước khi có các biện pháp giải quyết triệt để, lực lượng cảnh sát hình sự nói chung và Công an thành phố Hà Nội nói riêng đã tập trung thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2024 từ 1/7 đến 30/9. Bên cạnh điều tra, giám sát trong các thủ đoạn truyền thống như: gặp gỡ, làm quen trực tiếp thì lực lượng trinh sát sẽ rà soát trên mạng xã hội, kịp thời ngăn chặn các đối tượng lợi dụng internet để tiếp cận nạn nhân một cách tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức và xuyên quốc gia.