Phục trang phụ nữ Mông Hoa – Di sản văn hóa phi vật thể

Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Hoa được xem như thước đo tài năng thêu thùa của người phụ nữ.

Mới đây, Bộ VHTTDL đã ra quyết định công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục của người phụ nữ Mông Hoa ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tác phẩm nghệ thuật đặc sắc

Đến với Bắc Hà chúng ta sẽ bắt gặp những trang phục thổ cẩm sặc sỡ nổi bật nét độc đáo trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông Hoa.

Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Hoa Lào Cai gồm khăn, áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp…. Khăn của phụ nữ Mông Hoa có 2 loại, đó là loại hình chữ nhật khổ 65x40cm thêu hoa văn trùm lên đầu, một loại khăn vành rộng quấn quanh đầu. Áo của phụ nữ Mông Hoa thường xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu, in hoa văn hình xoắn ốc. Váy chủ yếu là dùng các màu đỏ, xanh đậm trông nổi bật, rực rỡ.

Thắt lưng là miếng vải rộng khoảng 7-8 cm và dài 80-120, có thêu hoa văn giúp tôn thêm vóc dáng của người phụ nữ. Họa tiết hoa văn trên nền trang phục chủ yếu là hoa văn hình học ước lệ như đường ngang, hình vuông, hình thoi, quả trám, xoáy đơn, xoáy kép, lượn sóng, hình xoắn ốc,...

Những họa tiết này đều có màu sắc tươi sáng, nhất là màu đỏ vừa tạo cảm giác ấm áp, hưng phấn cho người mặc khi đi giữa rừng, trên núi cao, vực thẳm trong điều kiện khí hậu lạnh lẽo vừa khiến người Mông nổi bật trước đám đông và choáng ngợp mọi không gian, môi trường cho dù trên nương rẫy, giữa buổi chợ hay lễ hội.

Thêu thùa may vá còn là tiêu chí chọn vợ của các chàng trai nơi đây. Trẻ em gái dân tộc Mông Hoa ngay từ khi 7 - 8 tuổi đã được mẹ hướng dẫn cách dệt vải, thêu, may các hoa văn truyền thống, để đến khi lấy chồng sẽ may được 8 - 15 chiếc váy làm của hồi môn.

Nghệ thuật tạo hình dân gian đặc sắc, độc đáo

Phụ nữ Mông chính là tác giả của nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục. Cả cuộc đời, họ gắn bó với công việc thêu, dệt vải và in hoa văn. Họ dùng chỉ thêu thường là sợi tơ tằm vừa to, vừa dai, vừa bền màu. Điều đặc biệt khi dệt vải, phụ nữ Mông Hoa thường tính toán tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ, cách sắp xếp các họa tiết, kích thước hoa văn trên mảnh vải. Nếu thêu ở mặt trái của sợi vải nhưng hình mẫu nổi lên ở mặt phải, kỹ thuật thêu hoa văn càng phức tạp, đòi hỏi càng phải kiên trì, cẩn thận.

Đặc biệt, kỹ thuật in sáp ong là nét độc đáo tiêu biểu của dân tộc Mông Hoa. Công cụ dùng vẽ mẫu in sáp là bút vẽ được làm bằng đồng. Có nhiều loại bút dùng để vẽ các đường có kích thước khác nhau. Khi vẽ xong, họ đem vải đã in sáp ong nhuộm chàm, sau nhiều lần ngâm, nhuộm, vải đã có màu sẫm thì đem nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra, để lại những nét hoa văn trắng nổi bật trên nền vải chàm.

Bảng màu của người Mông không nhiều, chủ yếu xuất hiện 6 loại màu: Chàm sẫm, đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Để tạo nên màu chàm sẫm, người phụ nữ Mông phải tiến hành nhiều khâu. Ngay khi dệt xong, họ nấu vải trong tro bếp cho thật trắng và phơi trên phiến đá phẳng, lấy vồ gỗ đập để vải bóng mịn. Sau khi nhuộm chàm, váy áo còn được ngâm vào nước có pha lòng trắng trứng để cho mặt vải bóng loáng lên, đẹp tươi. Màu đỏ trước đây được nhuộm từ một loại cây hoặc một loại thuốc có màu đỏ, ngày nay, trên thị trường có nhiều loại vải nên người dân mua vải đỏ công nghiệp là chủ yếu. Trong trang phục của người Mông, màu đỏ là chủ đạo, vừa làm màu nền trung gian vừa tạo các họa tiết chính, phối hợp màu vàng và màu trắng nhằm đối chọi với nền chàm tạo nên sắc màu rực rỡ của trang phục.

Họa tiết thêu hoa văn thể hiện sự khéo léo, tinh tế và phẩm hạnh của một người phụ nữ. Các hoa văn trên trang phục phần nào biểu trưng cho cuộc sống hân hoan, niềm tin yêu thiên nhiên mãnh liệt của người Mông Hoa.

Bảo Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phuc-trang-phu-nu-mong-hoa-di-san-van-hoa-phi-vat-the-post151008.html